Sáng 18.5, giáo sư Trương Nguyện Thành có buổi nói chuyện với sinh viên Trường ĐH Văn Lang về chủ đề "tinh thần khởi nghiệp trong môi trường học tập". Tại buổi trò chuyện, giáo sư Thành đã có những chia sẻ thẳng thắn về ý chí, sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp.
Dẫn chứng câu chuyện chạy bộ 400 km cùng với con trai, giáo sư Trương Nguyện Thành đúc kết: "Ai trong chúng ta cũng có trong mình một nỗi sợ. Khi làm một việc gì đó, nếu sợ thì sẽ không bắt đầu và một khi không bắt đầu thì không bao giờ đến đích".
Ông Thành ví von ý chí vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu của mỗi người giống như việc cày ruộng: "Việc bắt đầu vượt qua nỗi sợ, bắt đầu làm một việc vượt quá khả năng cũng như việc cày ruộng vậy. Những bước cày đầu tiên luôn khó khăn nhất, nhưng nếu đường cày đầu tiên đã thẳng thì những đường cày tiếp theo sẽ rất dễ dàng. Không ai vạch sẵn một đường thẳng để chúng ta cày, chỉ có bản thân mỗi người phải lao vào làm để phát triển. Tương tự đường cày, đường đời không bao giờ là con đường thẳng tắp, phải dám làm, dám thất bại để trưởng thành".
Nói về tinh thần sáng tạo trong khi còn là sinh viên, giáo sư Trương Nguyện Thành cho rằng, muốn sáng tạo phải khai phóng những định kiến trở thành rào cản của sự sáng tạo.
"Khi sinh ra và lớn lên, mỗi người thường có một ranh giới chưa chạm tới. Đó chính là những thành kiến, nguyên tắc, quy luật xã hội đã hình thành "cái hộp" trong đầu mỗi người. Sáng tạo là không giới hạn, chỉ khi ta nghĩ khác, làm khác thì mới phát huy hết khả năng của bản thân.
Các em sinh viên hoàn toàn có thể nghĩ rằng chiếc xe hơi biết bay. Không ai cấm các em việc đó, miễn sao không vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội. Đó là lý do hôm nay tôi mặc quần jean và áo vest, chúng ta đều có thể phá vỡ mọi nguyên tắc để nghĩ khác, làm khác".
Giáo sư Trương Nguyện Thành chia sẻ về tinh thần khởi nghiệp với các bạn sinh viên Trường ĐH Văn Lang
Theo ông Thành, sinh viên là thời điểm "không có gì để mất", còn độc thân, không có nhiều bận tâm lo toan về gia đình và cơm áo gạo tiền. Tất cả những gì mà người lớn đắn đo thì sinh viên chưa có. Chính vì thế, nên bắt đầu khởi nghiệp khi còn là sinh viên.
"Khởi nghiệp không có nghĩa bạn phải mở công ty, tạo ra sản phẩm lớn lao mà đơn giản là bắt đầu một hành trình mới. Sinh viên cứ nghĩ cầm tấm bằng tốt nghiệp mới khởi nghiệp là quá trễ rồi. Tôi không khuyến khích các bạn bỏ học để khởi nghiệp. Nhưng trên thực tế có rất nhiều người thành công trên thế giới đều khởi nghiệp từ khi ngôi trên ghế nhà trường. Có thể kể đến ông chủ Facebook, ông chủ Microsoft,v.v.v"- giáo sư Trương Nguyện Thành bày tỏ.
Giáo sư Trương Nguyện Thành cũng đưa ra lời khuyên, khi bắt đầu công việc đừng vội hỏi về mức lương mà phải tạo được giá trị cho bản thân, tạo được giá trị trong công việc và xã hội.
"Thái độ, ý thức tạo ra giá trị này phải bắt đầu thay đổi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Một khi đã có giá trị thì công ty sẽ giữ bạn cho bằng được và tự động nâng lương. Phải cố gắng học hỏi, làm thử tất cả mọi việc và đừng bao giờ đặt cho mình một giới hạn, chỉ có khái niệm "không làm" chứ không có khái niệm "không làm được" - giáo sư Trương Nguyện Thành nói.