Thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng đã và đang trải qua khó khăn thử thách chưa từng có điều lệ do đại dịch Covid-19 gây ra. Dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, riêng Việt Nam với sự thành công trong chiến dịch phòng chống, kết quả năm 2020 ghi nhận những kết quả ấn tượng trên trường thế giới. Đơn cử, tăng trưởng GDP đạt 2,91% - dù là mức thấp so với mọi năm nhưng lại là con số thuộc Top cao nhất toàn cầu, lạm phát duy trù ở mức ổn định 2,31%, đặc biệt kim ngạch xuất nhập khẩu đạt con số ấn tượng gần 535 tỷ USD – tương đương 12.594 tỷ đồng.
Tất cả các quốc gia đều có thể ngay lập tức chuyển đổi
Bước sang năm 2021, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam vẫn là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế thế giới. Dù vậy, bối cảnh quốc tế năm 2021 không thuận lợi có thể làm trầm trọng hơn những yếu điểm nội tại của nền kinh tế Việt Nam, mà cụ thể là nợ công và bội chi. Ghi nhận tại báo cáo vĩ mô của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM, cân đối NSNN tính đến ngày 15/12/2020 bội chi 125.100 tỷ đồng (tương đương 1,95% GDP), và là năm đầu tiên quay trở lại tình trạng bội chi sau 2 năm liền bội thu (cùng kỳ năm 2019 bội thu 97.940 tỷ đồng và năm 2018 bội thu 335 tỷ đồng).
Nguyên nhân do nguồn thu ngân sách bị giảm mạnh ở tất cả cấu phần (tổng thu NSNN giảm 7,5% trong năm 2020). Trong khi đó, các khoản chi ngân sách đều tăng do chịu tác động từ Covid-19 cùng tình hình thiên tai nặng nề.
Như vậy, để tận dụng được thời cơ trong bối cảnh bình thường mới hiện nay, Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế hướng đến một nền kinh tế số. Bởi lẽ, xu hướng số hóa kinh tế và các hoạt động xã hội là nền tảng cho phép cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ ở nhiều nước phát triển cũng như đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
"Cần nhấn mạnh, sự khác biệt và cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 chính là không đòi hỏi một quốc gia phải là quốc gia phát triển mới được tham gia, mà tất cả các quốc gia đều có thể ngay lập tức chuyển đổi. Trong đó, người dân có thể tiếp cận thị trường quốc tế cũng như bán sản phẩm ra thị trường rộng lớn toàn cầu nếu thực hiện chuyển đổi", GS. TS. Trần Thọ Đạt – Thành viên tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ khẳng định.
Thương mại điện tử là minh chứng rõ nét nhất cho nền kinh tế số
Lấy ví dụ rõ nét, nhờ sự chuyển mình mạnh mẽ của thị trường bán lẻ tiêu dùng từ kênh truyền thống sang kênh trực tuyến giúp doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn duy trì được mức tăng 6,8%, chiếm 79% tổng mức; bù đắp cho sự sụt giảm mạnh của tiêu dùng du lịch lữ hành (giảm 68,2%), lưu trú (giảm 5,4%).
Năm 2021, bán lẻ tiếp tục được bình chọn là ngành sẽ có sức bật cao nhất, trong xu hướng chuyển đổi sống diễn ra mạnh mẽ như một hành động bắt buột. Chia sẻ bởi ông Lê Anh Huy, Phó Tổng Giám đốc Sendo tiếp tục nhấn mạnh: "Covid-19 ảnh hưởng khiến mình không thể gặp nhau, phải chuyển qua kinh tế số. Trong 2021 trở đi, dư địa phát triển thương mại điện tử còn nhiều tiềm năng". Phía Chính phủ cũng có Quyết định 749 đặt ra mục tiêu tham vọng đảm bảo kinh tế số đạt 20% GDP trong 2025 – thể hiện niềm tin với ngành kinh tế số.
"Góc nhìn ở nhà bán hàng, nhà sản xuất ra sao?", người trong cuộc đặt vấn đề. Trước Covid-19, gặp họ, thì chủ yếu doanh nghiệp đa quốc gia hay nước ngoài có kinh nghiệm với TMĐT thì hưởng ứng, còn doanh nghiệp truyền thống thì cảm thấy e ngại tham gia vì muốn giữ kênh truyền thống – đang ảnh hưởng đến doanh số lớn nhất. Nhưng trong Covid-19, kênh truyền thống bị ảnh hưởng, doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi cách tiếp cận với khách hàng qua kênh TMĐT. Điều này thể hiện Covid-19 chính là yếu tố đẩy mạnh chuyển đổi số ở Việt Nam. Nhưng, vẫn còn 1 nút thắt trong hệ sinh thái và chính sách phát triển: logistics là điểm quan trọng nhất của kinh tế số và là trở ngại cho thương mại điện tử. Như vậy, nếu giải quyết được vấn đề này thì TMĐT sẽ rất phát triển.