Biên lãi gộp cải thiện mạnh
CTCP GTNfoods (mã chứng khoán GTN) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2018 với doanh thu thuần đạt 706,15 tỷ đồng, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, biên lãi gộp tăng mạnh đã giúp lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ ngược lại tăng 38% so với cùng kỳ, đạt 88,67 tỷ đồng.
Chỉ tiêu | Q4/2018 | Q4/2017 | Năm 2018 | Năm 2017 | Năm 2016 |
Doanh thu thuần | 706.15 | 822.8 | 3008.22 | 3781.3 | 1825.73 |
Lợi nhuận gộp | 88.67 | 64.33 | 467.53 | 438.94 | 78.7 |
Biên lợi nhuận gộp | 12.6% | 7.8% | 15.5% | 11.6% | 4.3% |
Theo lý giải của GTNfoods, năm 2018 là năm thành công của chăn nuôi và công con trọng điểm của GTNfoods là Mộc Châu Milk được hưởng lợi đáng kể. Lượng mưa trong năm nhiều giúp sản lượng sản xuất trồng trọt cho năng suất cao. Mặt khác, các vùng lân cận như Sơn La, Hoà Bình thậm chí các vùng xuôi đã tin tưởng vào sự phát triển của Mộc Châu Milk nên chuyển hướng trồng ngô cung cấp cho đàn bò. Do vậy, giá thu mua ngô cạnh tranh hơn nhiều. Chi phí thức ăn hiện chiếm đến 70% chi phí chăn nuôi bò nên việc nguồn cung thức ăn tăng lên, giá cả giảm xuống đang giúp cho chi phí chăn nuôi bò giảm.
Ngoài ra, công nghệ thụ tinh công thức TMR, các vấn đề dịch bệnh thú y năm 2018 liên tục được cải thiện giúp công ty giảm được chi phí rất nhiều.
Hơn nữa, nhà máy sữa của Mộc Châu Milk là một trong những nhà máy hiệu quả nhất với thời gian nghỉ rất ít, hệ thống máy mới tiết kiệm điện năng và hiệu suất cao cũng đã giúp Mộc Châu Milk giảm mạnh chi phí.
Chính các yếu tố kể trên, biên lãi gộp năm 2018 của Mộc Châu Milk tiếp tục cải thiện mạnh, góp phần giúp biên lãi gộp của GTNfoods cải thiện từ 11,6% của năm 2017 lên 15,5% năm 2018.
Lãnh đạo GTNfoods cũng chia sẻ thêm, trong các năm trước, các mảng hoạt động ngoài lõi như chăn nuôi lợn, kinh doanh văn phòng…nên biên lãi gộp giảm. Kể từ 2018, công ty không còn nhiều những hoạt động kinh doanh ngoài lõi Sữa- Trà – Vang nên biên lãi gộp sẽ ổn định và tăng dần.
Lỗ vì dự phòng và chiết khấu cao xây dựng hệ thống phân phối và tăng marketing
Dù doanh thu giảm, nhưng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của GTNfoods đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng 12 tỷ đồng, lên gần 89 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 33,5 tỷ đồng, lên 52,9 tỷ đồng trong quý 4/2018.
GTNfoods cho biết, trong năm 2018, công ty đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống phân phối, tăng chiết khấu cho các đại lý, tăng chi phí marketing, quảng cáo để mở rộng thị trường. Những điều này khiến các khoản mục chi phí đều tăng mạnh.
Ngoài ra, trên cơ sở đánh giá thận trọng cho công tác bàn giao vốn Nhà nước sau cổ phần hoá của công ty con là Tổng công ty chè Việt Nam-CTCP chưa hoàn thành cho đến thời điểm kết thúc quý 4/2018. Chính vì thế, GTNfoods đã thực hiện trích lập dự phòng cho một số khoản phải thu và hàng tồn kho chưa thống nhất trong kết quả quyết toán bàn giao vốn dẫn đến chi phí dự phòng tăng cao.
Những lý do kể trên khiến GTNfoods lỗ thuần 23,56 tỷ đồng trong quý 4/2018. Nhờ khoản thu nhập khác hơn 17 tỷ đồng nên công ty chỉ còn lỗ 11,4 tỷ đồng trong đó phần lỗ thuộc cổ đông công ty mẹ gần 18 tỷ đồng. Thua lỗ quý 4 kéo lợi nhuận năm 2018 của GTNfoods còn 104 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2017.
Tiền gửi ngân hàng vẫn đạt trên nghìn tỷ
Trên BCTC công ty thể hiện, khoản tiền và tương đương tiền cuối năm còn 257 tỷ đồng, tăng 17 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn gần 97 tỷ đồng, tiền gửi dưới 3 tháng còn 155,7 tỷ đồng, ngoài ra, tiền gửi ngân hàng kỳ hạn trên 3 tháng, dưới 1 năm còn đến 879,6 tỷ đồng. Tổng tiền mang đi gửi ngân hàng trên 1.130 tỷ đồng, giảm nhẹ so với tổng số 1.190 tỷ đồng dư đến đầu năm.
Khoản tiền gửi ngân hàng này mỗi năm đang đem về cho GTNfoods khoảng 70->100 tỷ đồng lãi tiền gửi. Hiện, công ty vẫn đang tìm kiếm các cơ hội M&A hoặc mở rộng vùng nuôi và nguồn tiền này hiện vẫn chưa sử dụng đến.