Ngày 21/4 vừa qua, ông Paul Scurrah, Giám đốc điều hành hãng hàng không Virgin Australia đã tuyên bố công ty đang trên đà phá sản do ảnh hưởng của đại dịch. Thông báo trên được đưa ra không lâu sau khi nhà sáng lập Richard Branson kêu gọi sự trợ giúp của chính phủ Anh và Australia.
Trước đó, tỷ phú Branson đã bơm 250 triệu USD vào các công ty thuộc Tập đoàn Virgin để đối phó với đại dịch và thậm chí còn thế chấp bất động sản tại đảo Necker của mình ở Caribe.
Ông Scurrah cho biết hãng đã bắt đầu chính sách quản trị tự nguyện (tự nguyện cho các bên khác tham gia quản trị) để vực dậy hoạt động kinh doanh với hy vọng sẽ trở lại và phát triển sau cuộc khủng hoảng tồi tệ này.
Hãng đã tạm dừng hầu hết các hoạt động trong vài tuần gần đây, với 95% chuyến bay bị cắt giảm và 80% lực lượng lao động trong số 16.000 nhân viên tạm thời nghỉ việc.
Virgin Australia là hãng hàng không lớn đầu tiên ở khu vực châu Á Thái Bình Dương "gục ngã" vì dịch Covid-19: Người dân hạn chế đi lại dẫn tới tình trạng doanh thu giảm mạnh, máy bay ‘đắp chiếu’ và nhân viên buộc phải nghỉ phép không lương. Tháng trước, hãng hàng không giá rẻ Flybe của Anh đã phá sản vì không thể vượt qua thách thức tài chính trong bối cảnh hiện nay.
Trong một hồ sơ, Virgin Australia cho biết thời điểm này, họ có kế hoạch tiếp tục khai thác tất cả các chuyến bay theo lịch trình để vận chuyển người lao động, hàng hóa thiết yếu và đưa người Úc ở nước ngoài trở về. Các nhà quản trị mới cho biết họ chưa có kế hoạch sa thải nào tại Virgin Australia.
Công ty kiểm toán Deloitte đã được bổ nhiệm như một nhà quản trị của Virgin Australia. Theo đó, họ đang tìm cách giúp Virgin Australia tái cấu trúc trong tình hình mắc nợ 3,2 tỷ USD đồng thời tìm kiếm chủ sở hữu hoặc nhà đầu tư mới để phục hồi doanh nghiệp.
Vaughan Strawbridge, đại diện của Deloitte tại Úc cho biết đến nay, đã có hơn 10 bên bày tỏ sự quan tâm đến việc nắm giữ cổ phần tại Virgin Australia. Họ hy vọng tình hình sẽ trở nên khả quan hơn trong hai tháng tới.
Mới đây, trong một bức thư ngỏ, tỷ phú Branson lập luận rằng Virgin Australia cần được cứu để duy trì sự cạnh tranh với hãng hàng không quốc gia của Úc là Qantas. Ông viết: "Nếu Virgin Australia biến mất, Qantas sẽ độc quyền trên bầu trời nước Úc".
Cũng trong ngày 21/4, Bộ Tài chính Úc cho biết họ sẽ làm việc với các nhà quản trị của Virgin Australia để "đảm bảo Úc duy trì hai hãng hàng không khả thi về mặt thương mại". Phó Thủ tướng Úc - Michael McCormack viết trong một tuyên bố chung: "Mục tiêu của chúng tôi là giữ lại công việc cho càng nhiều nhân viên càng tốt và duy trì sự cạnh tranh giữa hai hãng hàng không hàng đầu". Người phát ngôn của Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc cũng cho biết họ đang làm việc với Virgin "để xác định các bước dự kiến tiếp theo".
Ngoài việc tiếp cận chính phủ, Virgin Australia còn tìm đến các nhà đầu tư để được giúp đỡ. Ngoài tập đoàn Virgin, các cổ đông lớn của công ty bao gồm Etihad Airways và Singapore Airlines.
Mặc dù vậy, ông Scurrah cho biết khả năng là những cổ đông trên sẽ không trợ giúp được nhiều bởi họ cũng đang chịu ảnh hưởng của đại dịch.
Trong khi đó, Virgin Atlantic, hãng hàng không tại Anh của Branson cũng đang tìm kiếm một khoản vay thương mại từ chính phủ Anh và cho nhân viên nghỉ phép không lương vài tháng.
Trong một thông điệp khác gửi đến nhân viên Virgin Australia, Branson nói rằng đây không phải kết thúc đối với họ: "Ở hầu hết các quốc gia, chính phủ đều đã vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng chưa từng có này. Đáng buồn thay, điều đó không xảy ra ở Úc. Tuy nhiên, tôi đảm bảo với các bạn và cả đối thủ của chúng ta, rằng Virgin Australia sẽ sớm quay trở lại và hoạt động như xưa".
Sở dĩ vị tỷ phú chia sẻ như vậy là vì Virgin Australia từng đề một xuất khoản nợ trị giá 890 triệu USD của mình có thể chuyển đổi thành cổ phiếu. Thế nhưng, ngày 20/4 chính phủ Úc cho biết hãng sẽ không nhận thêm được sự hỗ trợ tài chính nào nữa.