Săn "hàng hiệu" giá vài trăm ngàn đồng ở Sendo
Sendo.vn (Sen Đỏ) là chợ trực tuyến của Tập đoàn FPT kết nối người mua và người bán trên toàn quốc. Xuất thân là một dự án thương mại điện tử do Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) phát triển, Sendo.vn ra mắt người tiêu dùng vào tháng 9/2012. Ngày 13/5/2014, Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ được thành lập, trực thuộc Tập đoàn FPT, là đơn vị chủ quản Sendo.vn. Vào Sen Đỏ, ai cũng sẽ thấy ngay slogan bảo vệ khách hàng tuy nhiên, trang này công khai bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Sendo rao bán rất nhiều mặt hàng, từ đồng hồ, giầy dép, thời trang, công nghệ, đồ gia đình, đến đồ dùng trẻ em… Rất dễ nhận biết các sản phẩm hàng nhái được bày bán ở đây vì mức giá của chúng rẻ hơn nhiều lần so với hàng thật.
Ví dụ, túi Chanel “xịn” có giá hơn 100 triệu thì tại Sen Đỏ chỉ còn khoảng 1 triệu đồng. Khi hỏi một lái thương chuyên bán hàng Trung Quốc, họ cho biết, thực chất cái túi được bày bán tại đây chỉ có giá chưa đến 300 ngàn đồng.
Hay chiếc áo khoác Burberry tại Sen Đỏ có hơn 200 ngàn đồng.
Những sản phẩm thời trang xa xỉ của của thế giới… thông thường có giá tính bằng ngàn USD nhưng được rao giá chỉ vài trăm ngàn tới 1 triệu đồng thì chắc chắn ai cũng nhận ra đó là hàng giả. Một số cửa hàng bán sản phẩm trên Sendo còn khá “trung thực” khi công khai cho biết hàng họ bán là fake (hàng nhái) hoặc super fake (siêu nhái).
Sự phát triển của internet, sự thâm nhập của trào lưu mua sắm trực tuyến cũng như mức chi tiêu ngày càng tăng của người tiêu dùng chính là lý do giúp doanh thu ngành bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua.
Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ kinh doanh qua mạng thì người tiêu dùng cũng rơi vào "ma trận" hàng giả, hàng nhái khi mua hàng qua các trang bán hàng trực tuyến.
Những sản phẩm được nhái nhiều nhất thuộc về lĩnh vực thời trang như túi, váy, quần áo. Hầu hết các thiết kế hàng đầu của các thương hiệu thời trang xa xỉ đều bị làm nhái. Điều này đã khiến các nhãn hàng tổn thất cả về mặt doanh thu và hình ảnh.
Tại châu Âu, hàng fake được kiểm soát rất chặt chẽ. Đối với những mặt hàng đã đăng ký bảo hộ với EU như Hermès, Louis Vuitton… nếu bị phát hiện bán hàng fake, không những người bán bị tịch thu hàng mà còn bị phạt tiền rất nặng.
Ở một số nước như Ý và Pháp, không chỉ người bán mà kể cả người mua cũng sẽ bị phạt nếu bị phát hiện đang mua hàng fake. Hình phạt cao nhất dành cho người mua hàng fake ở Pháp lên đến 300.000 euro hoặc ngồi tù 3 năm.
Lỗi tại cơ quan quản lý?
Về vấn đề này, chuyên gia marketing Nguyễn Phan Anh cho biết, việc các website thương mại điện tử bán tràn lan các sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng kể cả các website thương mại điện tử uy tín tại Việt Nam là khá phổ biến.
Lý giải cho việc này là do người tiêu dùng cũng thích xài hàng fake và khi người tiêu dùng còn thích mua thì sẽ có người bán. Chưa kể đến việc nhập các sản phẩm này về Việt Nam, bán hàng tại shop hoặc trực tuyến cũng rất nhiều và sản xuất tại Việt Nam cũng rất dễ dàng.
Về mặt pháp lý, những website có bán hàng fake và người mua hàng fake là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và hàng hóa, làm ảnh hưởng đến các thương hiệu lớn trên thế giới và không phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.
Tuy nhiên đây cũng là vấn nạn của nhiều quốc gia khác nhau chứ không chỉ riêng Việt Nam, và đó là một quá trình quá độ của hội nhập kinh doanh quốc tế. Bên cạnh đó, đây cũng là lỗi lớn của cơ quan quản lý.
Việc kinh doanh hàng giả đã được quy định rất rõ, người kinh doanh sẽ bị xử phạt hành chính cho hoạt động kinh doanh này. Theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ, “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm bảo vệ người tiêu dùng”.
Cục Thương mại Điện tử & Công nghệ Thông tin (Bộ Công thương) vừa yêu cầu rà soát hàng hóa bán trên các kênh thương mại điện tử, trực tuyến. Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh, bán hàng trực tuyến qua mạng cần có biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ các sản phẩm hàng giả, hàng nhái. Người bán hàng trực tuyến cũng phải triển khai các biện pháp ngăn chặn và loại bỏ khỏi website hoặc ứng dụng di động thương mại điện tử những thông tin sản phẩm có từ khóa như "fake, super fake, nhái...".
Kinh doanh hàng nhái, giả trên các trang bán hàng trực tuyến sẽ bị phạt tối đa 80 triệu đồng. Căn cứ vào Nghị định 124, Cục Thương mại Điện tử & Công nghệ Thông tin cho hay thương nhân, tổ chức sở hữu website và ứng dụng thương mại điện tử sẽ bị phạt 40-80 triệu đồng nếu bị phát hiện vi phạm. Theo số liệu của Bộ Công thương, doanh số thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam đã cán đích 5 tỷ USD năm 2016, gấp đôi năm 2013 và chiếm hơn 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ.
Việt Hà