Theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 17/11, lãi suất kỳ hạn 6 tháng tại quầy của 4 "ông lớn" nhìn chung đang được niêm yết ở mức 6-6,1%/năm, khác biệt giữa các ngân hàng là không quá lớn.
Đối với các loại tiền gửi cùng kỳ hạn theo hình thức trực tuyến, mức lãi suất hiện đang được các nhà băng trên công bố ở mức 6,5-7,8%/năm, cao hơn 0,5-1,8%/năm so với gửi tại quầy. Bên cạnh đó, hình thức tiết kiệm này cũng ghi nhận sự chênh lệch về lãi suất lên đến hơn 1% giữa 4 nhà băng này với nhau.
Cụ thể, VietinBank hiện niêm yết mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng dành cho kênh online là 7,8%/năm, cao hơn 1,8% so với gửi trực tiếp tại quầy, đây cũng đồng thời là mức lãi suất cao nhất trong "tứ đại ngân hàng".
Tại BIDV, Agribank, lãi suất online kỳ hạn 6 tháng đang là 6,6%/năm. Mức chênh lệch so với kênh offline của 2 ngân hàng lần lượt là 0,6% và 0,5%.
Chỉ riêng tháng 10, các nhà băng này đã tăng lãi suất 2 lần. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ mức 4%/năm đã được nâng lên 4,7%/năm, sau đó là 6-6,1%/năm. Không chỉ riêng kỳ hạn 6 tháng, lãi suất các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) cũng đã được tăng từ 5,6% lên 7,4%. Các kỳ hạn ngắn (1 đến dưới 5 tháng) cũng ghi nhận mặt bằng lãi suất cao hơn trước.
Theo tổng hợp mới đây của công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất kỳ hạn 6 tháng trung bình đạt 6,99% - tăng mạnh 97 điểm cơ bản so với mức trung bình của tháng 10; 203 điểm so với cùng kỳ và 199 điểm so với cuối năm 2021. Mức lãi suất huy động hiện tại đã cao hơn mặt bằng lãi suất trước dịch Covid-19.
Hiện nay, không ít ngân hàng cũng đã huy động kỳ hạn 6 tháng ở mức lãi suất 6-8%. Với nhóm big 4, trừ VietinBank đã có mức lãi suất 7,8%/năm, các thành viên còn lại đều chỉ đang niêm yết quanh mức 6-6,6%, vẫn thấp hơn so với tính toán của BVSC.
Giới chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn thanh khoản của hệ thống ngân hàng gặp phải một số thách thức, cộng với việc lãi suất huy động của các big 4 đang thấp hơn so với mặt bằng chung thì việc nhóm này có thể tiếp tục tăng lãi suất là điều không quá khó hiểu.