Trong 4 nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là đơn vị duy nhất tăng lãi suất tiết kiệm online trong tháng 8 vừa qua với mức tăng 0,2-0,3 điểm % tại kỳ hạn 1-11 tháng.
Hiện lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng này là 1,8%/năm với kỳ hạn 1-2 tháng; 2,2%/năm với kỳ hạn 3-5 tháng; 3,2%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng; 4,7%/năm cho kỳ hạn 12-18 tháng và 4,8%/năm kỳ hạn 24-36 tháng.
Với khách hàng gửi tại quầy, lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn dưới 24 tháng sẽ thấp hơn 0,1 điểm % so với gửi online. Lãi suất 2 hình thức tương đương nhau với các kỳ hạn tiền gửi trên 24 tháng.
Còn lại với các "ông lớn" như Vietcombank, VietinBank, BIDV hiện chưa có thông báo thay đổi lãi suất cả ở hình thức trực tuyến và tại quầy trong tháng 9.
Tại Big4, với hình thức gửi tại quầy, tại VietinBank đang có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 4,8% cho kỳ hạn 12 tháng. Còn với hình thức gửi trực tuyến, Agribank hiện đang giữ mức niêm yết cao nhất tại 4,8% cũng cho kỳ hạn 12 tháng.
Ở khối các ngân hàng thương mại cổ phần, sau kỳ nghỉ lễ 2/9, hiện có 2 ngân hàng thông báo tăng lãi suất tiết kiệm là MBBank và Sacombank.
Cụ thể, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại MBBank ở kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng tăng 0,1% lên mức 4%/năm. Hiện tại, kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2% lên 4,8%/năm và lãi suất kỳ hạn 24 tháng tăng 0,3% lên mức 5,7%/năm.
Tại Sacombank, nhà băng này thông báo tăng lãi suất 0,4% ở kỳ hạn 6 và 9 tháng, đưa lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên 4,2%/năm; kỳ hạn 9 tháng lên 4,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 4,9%/năm và kỳ hạn 24 tháng là 5%.
Hai nhà băng trên đều đang niêm yết mức lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 24 tháng ở lên, lần lượt ở mức 5,7% và 5%/năm.
Trước đó, trong tháng 8, đã có tổng cộng 15 ngân hàng tăng lãi suất huy động với mức tăng dao động trong khoảng 0,1 - 0,8%, bao gồm: Eximbank, HDBank, Sacombank, Saigonbank, TPBank, CB, VIB, Dong A Bank, Techcombank, VietBank, SHB, PVCombank, Cake by VPBank và Nam A Bank. Trong đó, Sacombank, VietBank, Dong A Bank, và Techcombank là ngân hàng đã có 2 lần tăng lãi suất.
Ngược lại với làn sóng tăng lãi suất, thị trường tài chính cũng ghi nhận tại một vài đơn vị điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm sau các đợt tăng trước đó, như SeABank, BacABank.
Chẳng hạn như tại SeABank trong tháng 8 vừa qua, nhà băng này giảm đồng loạt 0,25 điểm %/năm lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn. Trước đó, ngân hàng này từng tăng lãi suất cao nhất lên đến 6,2%/năm, mức dẫn đầu thị trường. Hiện tại, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 1 - 2 tháng đang ở 2,95%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng ở 3,45%/năm; thời hạn từ 6 đến 24 tháng đang ở trong khoảng 3,75% đến 5,45%/năm.
Trong các ngân hàng được Dân Việt khảo sát, xuất hiện 02 ngân hàng có mức lãi suất tại kỳ hạn 24 tháng trên 6%.
Cụ thể là tại NCB, ngân hàng này hiện đang niêm yết lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đều hơn 5%/năm - đây cũng là ngân hàng hiện đang có lãi suất tiết kiệm cao nhất ở thời điểm hiện tại. Tại kỳ hạn 6 tháng đang là 5,25%/năm; kỳ hạn 9 tháng ở 5,45%/năm; kỳ hạn 12 tháng ở 5,6%/năm và kỳ hạn 24 tháng hiện ở 6%/năm.
Ngoài NCB, Oceanbank cũng là ngân hàng được biết tới khi lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn từ 6 tháng cũng đều trên 5%/năm. Khác với NCB, ngân hàng này hiện đang có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất ở kỳ hạn 24 tháng, ở mức 6,1%/năm.
Ở chiều ngược lại, tại ABBank, lãi suất tiết kiệm được duy trì ổn định tại các kỳ hạn 1 tháng đến 12 tháng, song lại điều chỉnh giảm tại kỳ hạn 13 tháng đến 60 tháng.
Cụ thể, với kỳ hạn 13 tháng đến 60 tháng, ABBank đang huy động mức lãi suất là 5,4%/năm, thấp hơn 0,1 điểm % so với tháng 8/2024. Đáng lưu ý, lãi suất cho tiền gửi 13 tháng nêu trên chỉ áp dụng đối với các trường hợp mở mới/tái tục các khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng có mức tiền gửi nhỏ hơn 1.500 tỷ đồng.
MBS Research cho rằng, đà tăng của lãi suất tiết kiệm vẫn tiếp tục duy trì trong tháng 8 trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang lấy lại đà phục hồi khiến các nhà băng phải điều chỉnh lãi suất nhằm thu hút tiền gửi.
Việc nợ xấu tăng cao (nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 năm nay đã tăng 5,77% so với cuối năm 2023) cũng góp phần thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh việc huy động vốn mới nhằm đảm bảo thanh khoản. Cụ thể, lãi suất đầu vào các kỳ hạn dưới 6 tháng và 24 tháng được điều chỉnh tăng 0,1%/năm.
Theo VCBS, từ tháng 5 lãi suất trung bình nhích nhẹ khoảng 10 điểm cơ bản so với tháng trước khi hầu hết các ngân hàng thực hiện tăng lãi suất, chủ yếu tại các kỳ hạn dài từ 6 tháng trở lên. Lãi suất có xu hướng tạo đáy và dự kiến có thể tăng nhẹ 50-100 điểm cơ bản trong năm 2024 khi kinh tế hồi phục và nhu cầu tín dụng dần cải thiện.