Bitcoin khiến nhiều con tim tan vỡ. Không phải bởi họ đã bỏ lỡ đợt tăng giá đột biến của Bitcoin. Cũng không phải bởi họ lo sợ bong bóng Bitcoin sẽ vỡ tan một ngày nào đó. Lý do thực sự là bởi trong nhiều thập kỷ, họ đã chờ đợi một người sáng chế ra một loại tiền số thuần tuý, một loại tiền tệ cho các giao dịch trực tuyến mà không cần liên kết với thẻ tín dụng.
Vì vậy, khi Bitcoin lần đầu tiên xuất hiện, nhiều người hi vọng Bitcoin sẽ trở thành loại tiền tệ trên. Trong cuốn sách "Digital Gold" (Vàng Số) về nguồn gốc của Bitcoin, Nathaniel đã trích dẫn một đoạn email từ Satoshi Nakamoto, nhà sáng chế Bitcoin đầy bí ẩn: "Tôi đang nghiên cứu một hệ thống tiền điện tử mới dùng trong giao dịch trực tiếp, không cần một bên thứ ba đáng tin cậy."
Những người đam mê Bitcoin thời kỳ đầu thường cho rằng Bitcoin là một loại tiền tệ cho phép khách hàng mua hàng mà không cần sự can thiệp của hệ thống ngân hàng hay chính phủ các nước. Tuy nhiên, hiện nay, đối với họ, Bitcoin chỉ là một thất bại tiền điện tử khác.
Vào giữa những năm 1990, David Chaum, một nhà toán học và mật mã học xuất sắc, đã sáng chế ra tiền điện tử hay e-cash. Tiền điện tử cũng có chức năng tương tự Bitcoin hiện nay, đó là cho phép người dùng sử dụng tiền ảo lưu trữ trong máy tính để mua hàng và gửi tiền cho người khác.
Chaum đã có một sáng chế đi trước thời đại. Ông đã thành lập công ty DigiCash 5 năm trước khi Amazon hay Netscape ra đời. Tuy nhiên, vào năm 1998, DigiCash phá sản.
Tiếp sau sự kiện này là thời kỳ "thông tin muốn được tự do" ngắn ngủi. Napster, ra đời vào năm 1999, sử dụng công nghệ đồng đẳng cho phép người yêu nhạc tải nhạc bất hợp pháp. Các trang báo không có paywall (thu phí độc giả xem nội dung); do đó, nhiều người cho rằng tin tức là miễn phí. Nhiều người có thể ngang nhiên tải nhạc và phim miễn phí dù biết điều đó là vi phạm pháp luật. Với họ, đó là cách thức hoạt động trong thời đại Internet.
Đồng thời, khi thương mại điện tử phát triển, phương thức thanh toán duy nhất là dùng thẻ tín dụng. Đây chính là một khuyết điểm: Mỗi khi muốn mua một thứ gì đó, khách hàng phải điền đầy đủ thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ thanh toán và địa chỉ nhận hàng. Và điều này khiến hacker dễ dàng đánh cắp thông tin người dùng.
Tiền điện tử (e-cash) có thể giải quyết những vấn đề này. Nếu trước đây khách hàng sở hữu tiền số, thì Napster có thể đã tiến hành thoả thuận cùng các công ty thu âm và tính phí tải nhạc. Và có lẽ khách hàng cũng rất sẵn lòng trả phí. Và rõ ràng e-cash có thể giúp nền thương mại điện tử hoàn hảo hơn. Vào năm 2000, một bài báo trên tạp chí Money từng trích dẫn phát biểu của một giám đốc điều hành của một công ty Internet: "Chúng ta đã tới gần thời điểm mà nền kinh tế Internet cần e-cash."
Tuy nhiên, e-cash chưa bao giờ trở thành hiện thực. Thay vào đó, các doanh nhân và doanh nghiệp tạo ra một loạt các giải pháp thay thế. Nổi tiếng nhất là PayPal, một ứng dụng truy cập vào tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng của khách hàng và tiến hành giao dịch hoặc gửi tiền. Apple và Amazon cũng đưa ra những biện pháp thanh toán đơn giản hơn chỉ bằng một lần click chuột. Dù vậy, khách hàng vẫn cần phải điền thông tin thẻ tín dụng khi muốn mua sắm trực tuyến.
Trong khi đó, mọi nỗ lực sáng chế tiền điện tử đều "chìm xuồng". Đầu những năm 2000, e-gold ra đời với nhiều tiềm năng; tuy nhiên, đối tượng sử dụng e-gold chủ yếu lại là tội phạm. Tới năm 2008, nhà sáng lập e-gold đã nhận tội rửa tiền.
Theo trang web 99bitcoins.com, có 89 công ty tuyên bố chấp nhận Bitcoin là một loại tiền tệ, bao gồm Subway, nhà sách thuộc Viện Công nghệ Massachusetts và Bảo tàng Coastal Bend tại Victoria, Texas. Tuy nhiên, có lẽ vẫn chưa có ai thực sự dùng Bitcoin để mua bán. Liệu ai sẽ dùng Bitcoin để thanh toán khi chỉ 10 phút sau đó, giá Bitcoin có thể tăng vọt 500 USD? Và người bán nào sẽ nhận Bitcoin từ khách hàng khi giá của loại tiền số này có thể giảm 500 USD chỉ 10 phút sau đó?
Dù mục đích ban đầu là gì, hiện nay Bitcoin đã biến thành một loại tài sản với chỉ một mục tiêu duy nhất: đầu cơ. Pete Kight, một nhà đầu tư fintech đã thành lập Checkfree vào năm 1981, cho biết: "Đơn giản là không có cách nào dự đoán được giá trị của nó [Bitcoin]". Bitcoin sẽ là một sai lầm chết người nếu được dùng như một loại tiền điện tử.
Bên cạnh đó, một thiếu sót khác của Bitcoin được nhiều người ủng hộ yêu thích là loại tiền số này vận hành độc lập với hệ thống tiền định danh của chính phủ. Kight cho biết: "Tôi gọi đó là sự tàn bạo của trí tuệ. Khi bạn làm việc trong lĩnh vực fintech, bạn sẽ thấy những thiên tài kỹ thuật bị lệch pha so với những gì diễn ra trong thế giới thực."
Với Bitcoin, Kight cho biết: Có một thứ gọi là Cục Dữ trự Liên bang (Fed). Nhiệm vụ đầu tiên của Fed là bảo hộ hệ thống tài chính của Mỹ. Nếu muốn thành công, thì tiền số phải thuyết phục được Fed rằng nó sẽ không phá hoại hệ thống ngân hàng.
Sau khi bong bóng vỡ, có thể Bitcoin vẫn sẽ tiếp tục được giao dịch. Và có lẽ một vài loại tiền số khác cũng sẽ có quỹ đạo tương tự (dù cuối cùng phần lớn đều sẽ tan biến). Tiền số dường như có một vài đặc điểm khá tương tự với nền kinh tế: phát triển trong một số môi trường nhất định và suy yếu trong những môi trường khác.
Ở kịch bản tích cực, Bitcoin có thể sẽ được nhìn nhận như phiên bản số của vàng. Còn về một loại tiền điện tử thực sự, có lẽ còn cần một khoảng thời gian rất dài nữa.