ĐTTC số ra ngày 17-6 có bài “Lòng vòng tìm lãi từ ngoại tệ”, phản ánh một số NH nước ngoài tại Việt Nam khuyến khích khách hàng gửi ngoại tệ lãi suất 0%, sau đó cầm cố sổ tiết kiệm ngoại tệ để vay VNĐ với lãi suất thấp, rồi đem gửi NH trong nước với lãi suất cao hơn.
Hình thức này giúp khách hàng đang gửi tiết kiệm ngoại tệ với lãi suất 0% tại các NH nước ngoài có thể hưởng khoản chênh lệch lãi suất 2-3%, các NH cũng có lợi vì được cho vay, được huy động.
Tuy nhiên, trao đổi với ĐTTC, TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH, nhận định cách làm này tạo ra mối lợi không chính đáng, ảnh hưởng đến lạm phát, cung tiền và mặt bằng lãi suất.
PHÓNG VIÊN: - Ông nhận định như thế nào về việc nhân viên một số NH nước ngoài tư vấn khách hàng vay gửi lòng vòng để hưởng chênh lệch?
Khi khách hàng thực hiện gửi - vay - gửi, các NH được lợi về tăng trưởng huy động và cho vay. Nhưng đối với cả nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, cung tiền và mặt bằng lãi suất.
Tuy nhiên, theo thông lệ của ngành NH, việc NH nước ngoài khuyến cáo khách hàng làm như vậy không phù hợp, không đúng với nguyên tắc kinh doanh.
Trước khi nói sâu hơn vấn đề này, tôi muốn nhắc đến định luật của NH. Các NHTM có chức năng tạo tiền. Cụ thể, khách hàng gửi tiền ở NH, NH dùng tiền đó cho vay ra. Khi người được vay không sử dụng hết khoản tiền vay đó có thể dùng để gửi vào NH khác, NH này lại dùng tiền đó cho vay ra.
Khách hàng của NH thứ 2 được vay lại cũng không dùng hết và đến NH khác hoặc chính NH của mình gửi tiền đó. Cứ thế ngành NH có chức năng tạo ra tiền cùng với NH Trung ương, do họ sử dụng đồng tiền quay vòng. Hoạt động này hợp lý và hợp pháp, vì NH là định chế tài chính trung gian, có quyền dùng tiền của người gửi để cho vay.
Ảnh minh họa.
Trường hợp khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm ngoại tệ để vay VNĐ lãi suất thấp đem gửi ở NH khác có lãi suất cao hơn, cũng tương tự trường hợp đồng tiền quay vòng. Song điểm khác ở chỗ, chính NH nhận được tiền gửi ngoại tệ lại tư vấn, khuyến khích khách hàng vay vốn, dùng tiền đó gửi tiết kiệm ở NH trong nước để hưởng lãi suất chênh lệch.
Điều này không tuân thủ nguyên tắc của ngành NH, khi tìm cách tạo ra đồng tiền ảo. Bởi khi gửi - vay - gửi như vậy, số tiền đầu tiên là ngoại tệ gửi tại NH là tiền thật, nhưng tiền cho vay ra là tài sản ảo, vì tạo ra từ vấn đề hạch toán về sổ sách. Tài sản đó lại đem đến NH khác để gửi, từ đó tạo ra tài sản ảo - một lượng tiền ảo trong xã hội. Về mặt pháp lý, NH nước ngoài khuyến khích khách hàng làm như vậy không phạm luật nhưng vi phạm nguyên tắc giao dịch tiền tệ ảo.
- Theo ông, việc khuyến khích khách hàng tìm lãi từ ngoại tệ như vậy sẽ gây ra những tác động, ảnh hưởng nào?
- Do chênh lệch lãi suất hiện quá lớn nên khách hàng sẽ được hưởng lợi khi vay gửi như vậy. Các NH nước ngoài cũng được hưởng lãi cho vay ra và NH trong nước có nguồn huy động vào, lấy tiền đó để kinh doanh, cho vay. Đó là mối lợi cho NH.
Nhưng đối với khách hàng tham gia hình thức này, trong trường hợp họ gửi tiền vào NH trong nước, nhưng đến hạn NH trong nước không thanh toán được, họ vẫn phải thanh toán lãi suất cho NH nước ngoài.
Nhưng rủi ro này thấp, vì tại thời điểm này các NH tại Việt Nam không phá sản. Trong tương lai, nếu các NH rơi vào tình trạng có thể phá sản, gửi tiền vào những NH yếu kém để hưởng lãi suất cao có thể mất tiền, trong khi khách hàng vẫn còn trách nhiệm thanh toán cho NH nước ngoài.
Điểm đáng chú ý về mặt vĩ mô, điều này sẽ làm tăng khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế, gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, vì khi lượng tiền tăng lên có thể ảnh hưởng đến lạm phát. Về mặt lãi suất, có thể chính động thái đó sẽ gây ảnh hưởng. Bởi khi khách hàng đó đến NH trong nước để gửi tiền sau khi vay ra với lượng tiền lớn, sẽ tìm cách thương lượng để có được mức lãi suất cao, từ đó đẩy mặt bằng lãi suất lên.
Dù số lượng khách hàng sở hữu lượng tiền gửi ngoại tệ lớn không nhiều, nên việc dùng ngoại tệ thế chấp vay VNĐ để gửi NH có lãi suất cao ăn chênh lệch như vậy cũng chỉ ở quy mô nhỏ, tác động chưa lớn. Nhưng nếu điều này trở thành đại trà, nhiều khách hàng gửi ngoại tệ cùng làm như vậy sẽ có ảnh hưởng lớn.
- Như vậy, cơ quan quản lý ngành NH cần “tuýt còi” vấn đề này, thưa ông?
- Trong hệ thống NH, cách đây ít năm có nhiều công ty lớn của Việt Nam vay được tiền của NH với lãi suất thấp, sau đó dùng tiền đó gửi ở NH khác để lấy lãi suất cao hưởng chênh lệch. Ngay lập tức NHNN đã yêu cầu các NH chấm dứt việc này vì tạo ra dòng tiền ảo. Do đó, NHNN cần có văn bản yêu cầu các NH nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam chấm dứt chuyện này.
Điều này không thể quy định trên luật, vì không thể cấm khách hàng dùng tiền gửi của mình làm thế chấp để vay ra, cũng không thể cấm khách hàng dùng tiền vay đó gửi ở NH khác. Nhưng do điều này trái với nguyên tắc kinh doanh của ngành NH nên cần chấn chỉnh, yêu cầu NH nước ngoài dừng tư vấn khách hàng như vậy.
- Xin cảm ơn ông.