Điểm khác biệt là lần này mặc dù ngân hàng nhà nước không giảm trần lãi suất huy động, nhưng các ngân hàng thương mại vẫn chủ động điều chỉnh giảm lãi các khoản tiền gửi, cho thấy chính sách bước đầu đã có hiệu quả lan tỏa nhất định.
Đi đầu là 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, đã giảm thêm 0,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng. Không dừng ở đó, ngay cả các ngân hàng thương mại nhỏ hơn như Ngân hàng Việt Á, NCB, Bản Việt thường có mức lãi suất cao, cũng đã giảm lãi tiền gửi từ 0,1-0,6%/năm tùy kỳ hạn.
Nhiều ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động
Lãi suất huy động chủ yếu giảm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, Biểu lãi suất tiền gửi 6 tháng trở lên đang dao động từ 7,2-9%/năm. Lãi suất giảm nên người gửi tiền thường có xu hướng chuyển dịch sang các kỳ hạn dài hơn để hưởng mức lãi suất tốt hơn.
Chị Nguyễn Trà Giang, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết: "Hôm nay, tôi định gửi kỳ hạn 6 tháng nhưng đến đây xem biểu lãi suất thì thấy kỳ hạn 18 tháng có mức lãi suất cao hơn gần 1% nên tôi quyết định gửi kỳ hạn 18 tháng".
Nhiều ngân hàng cho biết người dân sau khi nắm bắt được xu hướng giảm lãi suất thì thường chuyển sang kỳ hạn từ 8-18 tháng. Điều này giúp các ngân hàng có cơ cấu nguồn vốn ổn định hơn.
Ông Nguyễn Thế Dân, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng TMCP Bản Việt, cho biết: "Hôm nay là ngày đầu tiên trong kỳ điều chỉnh lãi suất lần thứ 4 kể từ đầu năm đến nay, với tổng mức giảm từ đầu năm đến giờ là khoảng 1-2% tuỳ từng kỳ hạn".
Đại diện một số ngân hàng cho biết, mặt bằng lãi suất có thể giảm thêm nữa vì động thái hạ lãi suất điều hành mới đây là chỉ dấu rõ ràng cho thị trường rằng ngân hàng nhà nước muốn lãi suất tiếp tục hạ xuống.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong TPBank, cho biết: "Khi mặt bằng lãi suất được kéo dần xuống, nó trở về mức bình thường mà lẽ ra nó phải có thì lãi suất cho vay nó cũng sẽ hạ theo, như vậy đã đạt được mục đích mong muốn hạ lãi suất để phục hồi kinh tế.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng đầu năm khá chậm, chỉ đạt 1,1% so với cuối năm trước. nhưng nhiều ngân hàng kỳ vọng việc hạ mặt bằng lãi suất sẽ giúp nhu cầu vay vốn khởi sắc trở lại trong thời gian tới.
Theo ngân hàng nhà nước, riêng trong tháng 2, các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất huy động từ 0,2-0,5%/năm đối với kỳ hạn 6 đến 12 tháng. Tính trung bình, lãi suất tiền gửi phát sinh mới vào khoảng 6,7%/năm. Nhiều chuyên gia cũng dự đoán, mặt bằng lãi suất có thể được giảm tiếp trong nửa cuối năm.
Ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, nhận định: "Lãi suất cả đầu vào đầu ra từ đầu năm tới giờ đã giảm 1-2%. Tôi kỳ vọng lãi suất có thể giảm tiếp 0,5 -1%/năm nữa, nó quay trở lại mặt bằng lãi suất trước khi tăng lãi suất cuối năm vừa qua".
Nhiều chương trình cho vay ưu đãi sản xuất kinh doanh
Hình minh họa.
Giảm lãi suất huy động được xem là cơ sở quan trọng để các ngân hàng thương mại có thể giảm chi phí, hướng tới giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Thực tế, các chương trình ưu đãi vốn vay được các ngân hàng thương mại triển khai có ý nghĩa thiết thực, giúp người dân, doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, đặc biệt ở các lĩnh vực ưu tiên như xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn....
Bà Hà Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Kon Tum, cho biết: "Chúng tôi cho vay thông qua tổ hội, hội phụ nữ, hội nông dân, cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, tạo điều kiện cho khách tiếp cận nguồn vốn được gần hơn".
Ngoài ưu đãi cho người vay cá nhân, nhiều ngân hàng khác cũng đưa ra các gói vay ưu đãi, nhằm thúc đẩy nhu cầu vốn của doanh nghiệp.
Ông Phạm Hồng Phú, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng bán lẻ, NHTMCP Hàng Hải Việt Nam MSB, cho biết: "Trên cơ sở giá vốn bình quân giảm, chúng tôi có gói giảm 2,3% với những doanh nghiệp xuất nhập khẩu có gắn kết với ngân hàng".
Nhiều ngân hàng cũng cho biết đang lên kế hoạch để giảm thêm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên, sau khi ngân hàng nhà nước quyết định hạ trần cho vay ngắn hạn với nhóm này thêm 0,5 điểm % trong tuần trước.
Để giảm được mặt bằng lãi suất cho vay không hề dễ dàng, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn đang phải tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Việc này đòi hỏi nỗ lực lớn từ phía các ngân hàng thương mại trong việc tiết giảm chi phí hoạt động, để cùng chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Trong chỉ đạo mới đây, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cũng yêu cầu việc giảm mặt bằng lãi suất phải thực chất. Đồng thời, ngân hàng nhà nước cần nghiên cứu các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn, và tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu và các lĩnh vực ưu tiên đã xác định.