Chiều 28/5 tại Hội trường, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi.
Theo đó, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội nhưng đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền Thành phố trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô; không quy định lại các nội dung, các vấn đề đã được quy định trong các luật khác, đặc biệt là các luật vừa được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Nhà ở.
Cho ý kiến vào dự thảo Luật, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp góp ý, dự thảo Luật Thủ đô cho phép Hà Nội được chuyển đổi sử dụng đất rừng trên 1.000 ha và đất trồng lúa trên 500ha làm các mục đích khác.
Ông Hòa đề nghị cần cân nhắc và không nên cho phép chuyển đổi bởi với quy mô dân số đông lại các các trụ sở bộ ngành lớn, Hà Nội rất cần đất rừng để "lá phổi" xanh cho người dân được hưởng không khí xanh, sạch đẹp.
"Dự thẻo nói là cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng trên 1.000ha là thế nào? Có phải 2.000ha rừng hay 3.000 ha rừng? Cần làm rõ quy mô này để khống chế", ông Hòa nêu.
Theo ông Hòa: "Hà Nội cần cân nhắc chỉ nên cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng với quy mô dưới 1.000ha và dất trồng lúa dưới 500ha", ông Hòa nói.
Về đề xuất có cơ chế cho phép Hà Nội biến các khu bãi bồi, bãi giữa ven sông trở thành khu đô thị, trung tâm văn hóa, du lịch, ông Hòa tỏ ra lo ngại.
Theo vị đại biểu này, bãi bồi, bãi giữa sông Hồng có lịch sử và giá trị tự nhiên do bồi lắng của sông Hồng tạo nên. Nếu chuyển đổi các vùng bãi bồi, bãi giữa này thành khu đô thị, trung tâm văn hóa, du lịch sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Hồng. Trong trường hợp cấp bách, sẽ khó có giải pháp để di dời, phòng tránh những diễn biến bất thường của thiên nhiên, nhất là khi biến đổi khí hậu ngày càng khó lường.
Ông Hòa cũng cho rằng, Hà Nội không thiếu hụt quỹ đất, Thủ đô Hà Nội không cần chọn bãi giữa sông Hồng để xây dựng trung tâm văn hóa, du lịch vừa tốn kém kinh phí trị thủy vừa gây rủi ro.