Trao đổi với phóng viên TTXVN chiều 25/7, ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ I (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, nhìn chung giao thông qua các cửa ngõ của Thủ đô của Hà Nội đã giảm nhiệt so với ngày 24/7, đặc biệt là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô khi chốt kiểm soát dịch tại trạm thu phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã không còn cảnh ùn tắc.
Tuy nhiên, tại trạm kiểm soát dịch cầu Phù Đồng trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang từ ngày hôm qua mặc dù đã có nhiều giải pháp phân luồng từ xa trên trục giao thông huyết mạch này nhưng cho đến chiều nay tại chốt kiểm dịch này vẫn còn cảnh ùn tắc và có dấu hiệu tăng nhiệt hơn.
Về nguyên nhân của vấn đề này, ông Trần Hưng Hà cho biết, Tổng cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện ngày 25/7 đã cùng với đoàn công tác xuống tận hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân và triển khai các giải pháp.
Về nguyên nhân vẫn xảy ra ùn tắc, ông Trần Hưng Hà khẳng định là do còn nhiều phương tiện không có nhận diện “luồng xanh” ưu tiên chở hàng hóa thiết yếu, không có giấy xét nghiệm COVID-19 vẫn đi qua chốt kiểm dịch dẫn đến chốt kiểm dịch bị quá tải. Mặc dù bị ùn tắc tại chốt kiểm dịch này nhưng lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu lực lượng chức năng tạo mọi điều kiện cho nhưng xe có thẻ ưu tiên “luồng xanh” vận tải hàng hóa thiết yếu đi qua nhanh nhất, tránh đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa.
Ông Trần Hưng Hà cho biết thêm, mặc dù từ chiều 24/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phân luồng từ xa giúp phương tiện qua Hà Nội đi đúng lộ trình, không vào chốt kiểm dịch của Hà Nội, tránh ách tắc. Tuy nhiên, do các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên cũng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng chống dịch COVID-19… nên những lộ trình được công bố này cũng áp dụng nhiều điều kiện khi đi qua. Mặc khác, nhiều lái xe có lộ trình đi các vùng lân cận tại Hà Nội nên vẫn phải đi trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông tại chốt kiểm dịch này.
Về giải pháp giải quyết tình trạng trên, ông Trần Hưng Hà thông tin, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội báo cáo UBND thành phố Hà Nội bố trí thêm bãi đỗ xe tại chốt kiểm dịch cầu Phù Đổng để giải quyết xe không chiếm dụng lòng đường trong quá trình làm thủ tục quá chốt kiểm dịch.
Tiếp theo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở Giao thông Vận tải, các cơ quan chức năng tăng cườn hướng dẫn người dân cần thực hiện xét nghiệm COVID-19 theo phương thức realtime RT-PCR để có thể đủ điều kiện đi qua được các chốt kiểm soát dịch tại Hà Nội để đi qua các tỉnh khác. Giải pháp thứ ba là Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Sở Giao thông Vận các tỉnh, thành phố lân cận tăng cường cấp thẻ ưu tiên “luồng xanh” vận chuyển hàng hóa thiết yếu cho các doanh nghiệp vận tải. Giải pháp thứ tư là tăng cường lực lượng cho các chốt kiểm soát dịch để đảm bảo làm thủ tục kiểm tra nhanh nhất.
Trước đó, theo phản ánh của nhiều lái xe, trưa 25/7, chốt kiểm dịch cầu Phù Đổng, dòng ô tô ùn tắc nghiêm trọng, kéo dài khoảng 3 - 4km. Theo phản ánh, nhiều phương tiện từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh không đủ điều kiện di chuyển đến/qua Hà Nội nhưng không di chuyển vào Quốc lộ 18 theo hướng dẫn mà vẫn cố tình vào Quốc lộ 1B (cao tốc Hà Nội – Bắc Giang). Trong khi đó, trên tuyến Quốc lộ 1B chỉ có điểm quay đầu ngay tại chốt kiểm dịch.
Tại chốt kiểm dịch BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, giao thông "giảm nhiệt" hơn so với ngày 24/7 khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ. Tuy vậy, tại một số thời điểm, giao thông tại BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn ùn ứ nhẹ do lực lượng chức năng phải mất thời gian giải thích và hướng dẫn đối với những xe không đủ điều kiện lưu thông tiếp
Điều đáng ghi nhận là tại một số đoạn tuyến nằm trong phạm vi các tuyến "luồng xanh" được Hà Nội công bố như: cầu Thanh Trì, đường Vành đai 3 đã không xuất hiện ùn tắc, các phương tiện có thể lưu thông dễ dàng
Trong một giải pháp giảm ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch tại Hà Nội, chiều 24/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phân luồng từ xa giúp phương tiện qua Hà Nội đi đúng lộ trình, không vào chốt kiểm dịch của Hà Nội, tránh ách tắc.
Theo đó, xe từ Hòa Bình đi về Hà Nam, Ninh Bình, các tỉnh phía Nam và ngược lại đi theo các tuyến đường:
-Ngã ba Xuân Mai (Hà Nội) - quốc lộ 21 - đường Hồ Chí Minh (Hòa Bình) - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Quảng Nam - Kon Tum - Gia Lai - Đăk Lăk - Đăk Nông - Bình Phước.
-Hòa Bình - Quốc lộ 6 - Đường Hồ Chí Minh - Quốc lộ 21 - Quốc lộ 1- Hà Nam.
-Hòa Bình - Quốc lộ 6 - Đường Hồ Chí Minh - Quốc lộ 12B - Quốc lộ 1- Ninh Bình.
-Hòa Bình - Quốc lộ 6 - Đường Hồ Chí Minh - Quốc lộ 9 - Quốc lộ 1 - các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau.
Xe từ Hòa Bình đi đến các tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái và ngược lại đi theo đường:
- Hòa Bình - Quốc lộ 6 - Quốc lộ 21 - Quốc lộ 2C (cầu Vĩnh Thịnh) - Quốc lộ 2- Vĩnh Phúc; Hòa Bình - Quốc lộ 6 - Quốc lộ 21 - Quốc lộ 32 - Yên Bái.
Xe đi từ Hòa Bình đi Thái Nguyên, Bắc Ninh và ngược lại theo tuyến:
- Hòa Bình - Quốc lộ 6 - Quốc lộ 21 - Quốc lộ 2C (cầu Vĩnh Thịnh) - Quốc lộ 2 - Quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh - Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên.
- Hòa Bình - Quốc lộ 6 - Quốc lộ 21 - Quốc lộ 2C (cầu Vĩnh Thịnh) - Quốc lộ 2- Quốc lộ 18 đoạn Nội Bài - Bắc Ninh - Bắc Ninh.
Xe từ Ninh Bình đi đến Lạng Sơn và ngược lại theo tuyến:
- Ninh Bình - cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - Quốc lộ 38 - Quốc lộ 39 - Quốc lộ 5 - cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - Quốc lộ 1 - Lạng Sơn.
- Ninh Bình - cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - Quốc lộ 38 - Quốc lộ 39 - Quốc lộ 5- Quốc lộ 37 - Quốc lộ 18 - cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - Quốc lộ 1- Lạng Sơn.