Thống kê cho thấy, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 199 tòa chung cư tái định cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý 149 tòa; Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội quản lý 20 tòa; Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở quản lý 30 tòa.
Thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư và diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà tái định cư còn nhiều bất cập, hạn chế. Việc thành lập ban quản trị nhà chung cư còn chậm, đến nay mới đạt được 113/199 tòa chung cư. Công tác bàn giao kinh phí 2%, bàn giao hồ sơ, diện tích chung riêng, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống trang thiết bị của tòa nhà tái định cư, công tác quản lý vận hành nhà chung cư... của các đơn vị được giao quản lý quỹ nhà cho ban quản trị chậm, đạt tỷ lệ thấp. Việc bảo trì, sửa chữa đối với nhà tái định cư chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, gây bức xúc cho cư dân.
Ảnh minh họa: KT
Ông Trần Văn Xuân, cư dân khu tái định cư Nam Trung Yên nêu ý kiến: "Trước khi giải phóng mặt bằng thu hồi đất của chúng tôi, thành phố rồi quận, phường cam kết về nơi ở mới ít nhất là bằng nơi ở cũ. Nhưng khi về ở thì nhà xuống cấp nhanh quá".
Nhằm kịp thời khắc phục các hạn chế, bất cập, UBND thành phố Hà Nội giao các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung những quy định về quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư trên địa bàn, đảm bảo quản lý đồng bộ, chặt chẽ, sử dụng hiệu quả. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước và công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm, giải quyết tranh chấp trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại, khắc phục tồn tại hạn chế.
Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: "Để có giải pháp tháo gỡ những nội dung liên quan đến vướng mắc thì sở Xây dựng vẫn đang tiếp tục rà soát để tham mưu cho thành phố về vấn đề quản lý, sử dụng nhà tái định cư"./.