Theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 15/4/2018, các công trình có nguy hiểm về cháy, nổ như: nhà chung cư, khách sạn; nhà trẻ, trường mầm non; cửa hàng xăng dầu có từ một cột bơm trở lên; bệnh viện, nhà điều dưỡng, trung tâm y tế, cơ sở y tế khám chữa bệnh khác... đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ.
Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ bao gồm: nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm...).
Nghị định trên cũng quy định, doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định pháp luật; cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hoặc biên bản kiểm tra đã quá một năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy...
Thông tin từ Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết, tính đến ngày 4/4, mới có 179 trong tổng số 718 chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố mua bảo hiểm cháy, nổ. Trong số 179 chung cư cao tầng đã thực hiện việc mua bảo hiểm cháy nổ, có khoảng hơn 50% là các chung cư thương mại và chung cư cao cấp.
Theo báo cáo mới nhất của Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, năm 2017 và quý I.2018, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ; trong đó, quý I.2018 xảy ra 280 vụ (riêng cháy nhà cao tầng xảy ra 87 vụ). Những vụ cháy trên đã làm 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 617 tỷ đồng.
Tính đến ngày 2.4, địa bàn thành phố vẫn tồn tại 29 công trình vi phạm quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng, trong đó 15 công trình khó có khả năng khắc phục.
15 công trình khó có khả năng khắc phục, Cảnh sát PCCC thành phố đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP, báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Công an xin các biện pháp, giải pháp cơ bản để khắc phục.
Danh sách các công trình này bao gồm:
1.Chung cư mini Bồ Đề (ngõ 193 phố Bồ Đề, phường Bồ Đề, quận Long Biên);
2.Nhà ở nhiều hộ gia đình (số 76 Cự Lộc, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân);
3.Toà nhà văn phòng cho thuê và để ở (số 88 Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân);
4.Trung tâm Thương mại và nhà ở cao tầng ( số 27 Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng);
5.Nhà ở chung cư cao tầng kinh doanh (số 46/230 Lạc Trung, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng);
6.Nhà ở cho cán bộ chiến sỹ Tổng cục V- Bộ Công an (Toà nhà T6/08) (Ở KĐT mới cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm);
7.Nhà ở và để bán cho cán bộ chiến sĩ Công an huyện Gia Lâm- Nhà 9 tầng nhà C (ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên);
8.Toà nhà C17 Bộ Công an (ở Tổ 14 Ngọc Thuỵ, quận Long Biên);
9.Nhà ở cho cán bộ, giáo viên Học viện Quốc tế (ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì);
10.Trung tâm Thương mại và căn hộ chung cư (Khu Đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông);
11.Nhà Chung cư BMM (Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông);
12.Toà nhà chưng cư 89 Phùng Hưng (ở Phúc La, quận Hà Đông);
13.Nhà chung cư CT4 (ở Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông);
14.Toà CT2 Xa La (ở Khu đô thị Xa La, quận Hà Đông);
15.Toà Nhà Capital Garden (ở Ngõ 102 Trường Chinh, quận Đống Đa)
Cơ quan Cảnh sát PCCC thành phố nhận định, tình hình cháy, nổ trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có dấu hiệu gia tăng. Tình hình cháy xảy ra ở các nhà chung cư, công trình cao tầng có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn bởi những công trình xây dựng trước năm 2000 hiện đã xuống cấp, việc bảo dưỡng, kiểm tra hệ thống, thiết bị phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quy định.
Trước thực trạng này, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội sẽ rà soát, kiểm tra toàn bộ các công trình nhà cao tầng. Hà Nội hiện có trên 1.100 công trình, tòa nhà chung cư cao tầng, trung tâm thương mại, trong đó có 718 tòa chung cư cao tầng.