Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu, so với cùng kỳ năm ngoái và các quý trước đây, thị trường bất động sản tại Hà Nội đều giảm mạnh cả về nguồn cung và lượng giao dịch.
Cụ thể, theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs). Lượng cung căn hộ chung cư tại Hà Nội trong quý I/2019 chỉ bằng 31,5% so với quý IV/2018 và bằng 75,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Lượng giao dịch căn hộ chung cư tại Hà Nội cũng chỉ bằng 30,4% so với quý IV/2018 và bằng 61,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ căn hộ chung cư giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2018 (quý I/2018 là 82,8%) và không có nhiều biến động so với quý IV/2018
Cũng theo báo cáo của VARs, giá cả của các dự án bất động sản tại thị trường Hà Nội cũng có xu hướng tăng rất thấp và gần như đi ngang trong thời gian vừa qua.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn cung tăng mạnh cùng với giá liên tục bị đẩy lên là nguyên nhân trực tiếp tác động đến thanh khoản của phân khúc chung cư. Bên cạnh đó, thị trường chung cư thời gian vừa qua bị bao vây bởi các vụ tranh chấp cũng khiến thanh khoản giảm mạnh.
Theo Bộ Xây dựng, tỷ lệ xảy ra tranh chấp giữa người mua và người bán theo ước tính có thể lên đến khoảng 30% tại các dự án chung cư. Điều này chắc chắn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của chung cư trong mắt người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của thị trường.
Nói về nguyên nhân khó bản căn hộ chung cư, chị Lê Thu, một nhân viên môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết: "Năm nay, thị trường diễn ra ảm đạm. Từ năm ngoái đến năm nay tình trạng mua nhà bắt đầu giảm dần. Thị trường đã bắt đầu bão hòa dù các hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Tại Hà Nội, để vào nội đô thì giá quá cao, giao thông tắc nghẽn, nhiều người không thích sự đông đúc quá mức nên đang có xu hướng mua nhà ở các khu vực lân cận".
Trước tình trạng khó khăn của thị trường, hiện nay các sàn bất động sản "rải quân" khắp nơi tìm kiếm nguồn khách. Thậm chí, sau thời gian đã xuất hiện tình trạng môi giới tràn xuống đường chèo lái người đi lại giới thiệu dự án và phát tờ rơi.
Môi giới BĐS tràn ra vỉa hè phát tờ rơi mở bán dự án Stellar Garden.
Sôi động nhất là khu vực đường Lê Văn Thiêm, Nguyễn Tuân, trục Ngụy Như Kom Tum (quận Thanh Xuân) nơi có mật độ chung cư đang xây dựng "dày đặc", các dự án chung cư mọc lên san sát. Chỉ tính riêng gần 500m đường Lê Văn Thiêm nhưng có tới 6 dự án chung cư với hàng chục tòa nhà ùn ùn mọc lên. Cách đó không xa, trục Nguyễn Tuân chỉ dài 720m nhưng có đến gần 20 tòa cao ốc chen chúc mọc lên.
Với số lượng dày đặc chung cư, để cạnh tranh nhau các môi giới ngồi túc trực trước cổng dự án gần như cả ngày, thậm chí còn đi dọc đường căng biển, phát tờ rơi giới thiệu dự án. Có thể kể đến như dự án Stellar Garden do Công ty cổ phần Kinh doanh và Xây dựng Quang Minh làm chủ đầu tư, bao quanh dự án là hàng chục môi giới túc trục cả ngày để "vợt khách". Thậm chí, xung quanh khu vực đường Ngụy Như Kom Tum, xuất hiện nhiều người đeo biển mở bán dự án, phát tờ rơi tràn lan cho người đi đường.
Nhiều môi giới túc trực tại dự án cả ngày tại một dự án nằm trên đường Lê Văn Thiêm .
Còn tại nhiều dự án khác ở khu vực Mỹ Đình, Hà Đông môi giới thay vì đến văn phòng, sàn giao dịch khai Xuân làm việc theo phong cách truyền thống, hiện nay nhiều môi giới bất động sản "chăm sóc" khách hàng qua mạng xã hội facebook, zalo...thậm chí "khủng bố" điện thoại, tin nhắn, email để vợt khách.
Thậm chí, hiện nay nhiều môi giới còn dùng chiêu trò rao bán cắt lỗ ảo tràn lan trên mạng để câu khách lấy database (danh sách) khách hàng. Để thu hút người mua nhà, nhiều môi giới nhà đất cố tình mập mờ trong việc niêm yết giá căn hộ như rao giá chưa thuế, chưa phí bảo trì 2%, bàn giao thô,... nhằm hạ thấp mức giá.
Không chỉ vậy, dân môi giới còn thêm vào những lời quảng cáo hấp dẫn như "bán giá gốc, suất ngoại giao". Từ 1 năm trở lại đây, hiện tượng môi giới cũng làm "tiền chênh" xuất hiện tại hàng loạt dự án căn hộ khiến cho người mua nhà không biết được đâu là giá thực của căn hộ.