Ngày 21/3, tại Hà Nội, đoàn công tác của Bộ Công Thương có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác chuẩn bị hàng hoá ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Ảnh minh họa.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thành phố Hà Nội yêu cầu các hệ thống phân phối tập trung tăng cường dự trữ hàng hoá. Ngay sau khi, TP.Hà Nội thông báo ca đầu tiên dương tính với virus SARS-CoV-2, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn đã triển khai ngay phương án khai thác và luân chuyển hàng hoá để phục vụ người dân. Theo báo cáo của doanh nghiệp, lượng hàng dự trữ tăng gấp 4-5 lần ngày bình thường.
Sở Công Thương TP.Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, đồng thời chỉ đạo các nhà cung cấp, các nhà sản xuất đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá cho các hệ thống phân phối và phục vụ nhu cầu của nhân dân. Lượng hàng hoá tại kho của các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày.
Đặc biệt, Sở Công Thương TP.Hà Nội đã xây dựng các kịch bản ứng phó để đảm bảo hàng hoá phục vụ nhân dân bị cách ly. Thành phố yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện phân phối nhu yếu phẩm theo chỉ đạo, trên cơ sở căn cứ đề nghị cung ứng nhu yếu phẩm từ các quận, huyện, và lượng nhu yếu phẩm hiện có của các đơn vị, sẽ cân đối điều động, bố trí nhu yếu phẩm cho từng quận, huyện theo nguyên tắc toàn bộ người dân đều được cung ứng hàng hóa.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội cho biết, trong bất kỳ tình huống nào, Hà Nội cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân, đặc biệt là có các kịch bản ứng phó đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân khu vực bị cách ly.
“Chúng tôi đã xây dựng, trong phương án là đã phân công rất đầy đủ nhiệm vụ cho các sở, ngành trên địa bàn Thành phố và đặc biệt là giao rõ nhiệm vụ cho các quận, huyện, thị xã là phải đảm bảo lượng hàng hoá này trên địa bàn quận và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã là người chịu trách nhiệm đảm bảo lượng hàng hoá.
Chúng tôi cung cấp đầy đủ lượng hàng hoá các doanh nghiệp dự trữ trên địa bàn đối với các quận, huyện, danh sách các cửa hàng phân phối trên địa bàn các quận, huyện, trên từng địa bàn đó để cho các đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã là phải chủ động ký kết hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị phân phối này”, bà Trần Thị Phương Lan nói.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: “Chúng ta phải theo dõi diễn biến của tình hình thị trường thực tiễn và để phối hợp với các doanh nghiệp triển khai các biện pháp để hỗ trợ, để bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa là bình ổn giá, không nhân dịp này tăng giá lên nhưng ngược lại phải đảm bảo về chất lượng các sản phẩm.
Một nhiệm vụ nữa, đó là việc kết nối giữa các địa phương để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân. Rõ ràng giữa Hà Nội và các tỉnh, thành, từ trước đến nay làm rất tốt. Hà Nội cũng chính là giúp cho các tỉnh trong việc tiêu thụ các sản phẩm thì ngược lại, bây giờ nếu Hà Nội cần đi các tỉnh tiếp tục là có việc kết nối. Và một cái tinh thần nữa về nguyên tắc là chúng ta rất quyết liệt, chủ động nhưng phải hết sức bình tĩnh”.