Sáng 1/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tờ trình của Chính phủ về dự thảo nghị quyết của Quốc hội liên quan đến việc thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Lần này, UBND thành phố Hà Nội đề nghị bổ sung 3 chính sách đặc thù, trong đó có đề xuất, ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp (DN) nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các DN.
Thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng ý với đề xuất này của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban này đề nghị Chính phủ rà soát lại một số văn bản quy định liên quan cho thống nhất với luật Ngân sách nhà nước.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu tính tổng tài sản CPH đối với DN thì Hà Nội còn khoảng 25.000 tỷ đồng. Thực hiện chủ trương này, thời gian qua, thành phố đã thu được 11.000 tỷ đồng nhưng mấy năm qua giữ lại, chưa nộp về quỹ Tài chính của SCIC.
Về mục đích sử dụng số tiền xin giữ lại, Hà Nội kiến nghị Quốc hội cho phép xây dựng đường sắt đô thị. Theo ông Chung, hiện Hà Nội đang triển khai 2 dự án đường sắt đô thị, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10 tới. Theo đó, tuyến đường sắt ga Hà Nội - Hoàng Mai trị giá hơn 40.000 tỷ đồng và tuyến đường sắt số 5 từ Văn Cao đi Hòa Lạc trị giá 66.000 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Hà Nội, cả 2 dự án xây dựng hoàn toàn bằng vốn của Hà Nội. Một là lấy từ nguồn vốn CPH, hai là vốn từ ngân sách thành phố trong 5 năm bỏ ra 15.000 tỷ đồng và thứ 3 là phát hành trái phiếu.
Uỷ ban Thường vụ đồng ý trình Quốc hội đề xuất này. Tuy nhiên, dùng số tiền này vào việc gì là theo thẩm quyền của HĐND thành phố.