Tại buổi tọa đàm trực tuyến về "Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội" vào ngày 12/8, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, tính đến hiện tại, toàn thành phố đã duyệt chi kinh phí hỗ trợ hơn 152 tỷ đồng, thực hiện chi trả trên 143 tỷ đồng cho lao động, doanh nghiệp khó khăn.
Trong đó, Hà Nội đã giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 88.250 đơn vị với 1,47 triệu lao động, kinh phí hơn 101 tỷ đồng; tạm dừng đóng Quỹ hưu trí tử tuất cho 34 đơn vị, hơn 2.900 lao động, số tiền 20,57 tỷ đồng; phê duyệt hồ sơ cho 1.123 lao động tạm hoãn hợp đồng nghỉ việc không hưởng lương, kinh phí 4,7 tỷ đồng; hỗ trợ 16 lao động ngừng việc số tiền 25 triệu đồng; hỗ trợ cho gần 19.500 F0, F1, trẻ em. Riêng nhóm lao động tự do (khu vực không có giao kết hợp đồng lao động) đã được các quận, huyện hỗ trợ cho hơn 5.100 người với trên 7,7 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hồng Dân chia sẻ, thời gian tới, ngoài những nhóm đối tượng đã được nêu trong Nghị quyết 68 của Chính phủ, Sở LĐTB-XH Hà Nội cũng sẽ phối hợp với các sở ngành, lấy ý kiến của các quận huyện, tiếp tục đề xuất với thành phố Hà Nội hỗ trợ cho 10 nhóm đối tượng khác, ví dụ như hộ nghèo, cận nghèo; người có công, các đối tượng chính sách đặc biệt khó khăn;...
Đặc biệt là đối tượng giáo viên của các trường tư thục không có hợp đồng, không đóng bảo hiểm xã hội, chỉ dạy mùa vụ. Những người lao động thuộc trường hợp này không đủ điều kiện để hưởng hỗ trợ từ những chính sách như ngừng việc, hoãn việc mà theo quy định phải có xác nhận của bảo hiểm xã hội.
Đại diện của Sở LĐTB-XH nhấn mạnh, đây là chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố, nằm ngoài Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng) của Chính phủ.
Liên quan đến vấn đề thủ tục nhận hỗ trợ, bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện LIGHT cho biết: Từ đợt hỗ trợ năm 2020 và phản ánh từ các nhóm câu lạc bộ lao động di cư, khó khăn nhất với lao động tự do là thủ tục về nơi thường trú (quê) để xin giấy xác nhận không hưởng hỗ trợ mà hưởng tại nơi tạm trú.
Do đó, để tạo điều kiện cho lao động tự do, nhất là lao động tạm trú được hưởng chính sách hỗ trợ thì có thể cho phép người dân viết cam kết chỉ nhận nơi tạm trú và không nhận nơi khác. Chính quyền sẽ gửi thông báo này về nơi thường trú để chính quyền cơ sở nơi thường trú không đưa vào danh sách hỗ trợ nữa, tránh trường hợp nhận 2 lần.