Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách du lịch giảm mạnh nên nhiều khách sạn ở trung tâm Hà Nội đã rơi vào tình trạng hiu hắt, ế ẩm. Không ít cơ sở lưu trú đã phải đóng cửa, rao bán hoặc giảm giá kịch sàn.
Khảo sát tại khu trung tâm quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, điểm chung dễ nhận thấy là hàng loạt cơ sở lưu trú quy mô lớn, cao từ 5 - 7 tầng mặt phố Hàng Trống, Hàng Gai, Gia Ngư, Lò Sũ...cửa khóa im ỉm, một số khách sạn hoạt động cầm chừng treo biển giảm giá sâu đến 80%.
Nếu trước đây đây giá phòng mỗi đêm ở khách sạn 2-3 sao khu vực Hoàn Kiếm dao động từ 1 triệu đến 2 triệu đồng/đêm nhưng hiện tại cũng giảm xuống chỉ còn 200 - 500 nghìn đồng/đêm.
Không chỉ các khách sạn nhỏ, hàng loạt khách sạn lớn như Hilton, Metropole, Deawoo, Pullman... đều đang giảm giá phòng khá mạnh. Sofitel Metropole (Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm) là khách sạn 5 sao đầu tiên của Hà Nội thường có giá thuê dao động từ 6 triệu đồng/đêm đến hơn 15 triệu đồng/đêm nhưng hiện tại, khách sạn đang giảm giá tới 84% tiền phòng trên ứng dụng Agoda.
Gần đó, khách sạn Hilton Hanoi Opera (Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm) cũng đang giảm sâu giá phòng tới 80% trên ứng dụng đặt phòng với giá chỉ từ 1,4 triệu đồng/đêm. Hanoi Daewoo Hotel (Kim Mã, quận Ba Đình) tung chương trình giảm tới 74% giá phòng trên các ứng dụng đặt phòng giảm còn 1,8 triệu đồng/đêm.
Được biết hiện nay nhiều khách sạn tại Hà Nội doanh thu trong tháng không đủ vận hành. Việc giảm giá chủ yếu là để duy trì khách sạn, kéo dài thời gian đợi vượt qua dịch bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc giảm giá gần như cũng không có tác dụng nhiều bởi lượng khách vãng lai thời điểm này cũng rất ít.
Dù đã tìm đủ mọi cách, nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều khách sạn vẫn không thể trụ vững, chủ kinh doanh phải tính đến phương án đóng cửa vĩnh viễn, bán khách sạn. Tại phố Hàng Bè, một khách sạn với gần 20 phòng, tổng diện tích hơn 560m2 sàn, có gara rộng đang chào bán giá chỉ 35 tỷ đồng.
Cách đó không xa, một khách sạn khác cũng đang treo biển rao bán với giá 69 tỷ đồng. Khách sạn có diện tích 102m2, mặt tiền 5,5m được thiết kế 5 tầng gồm 16 phòng. Tầng 1 được cho thuê bán hàng với giá 70 triệu đồng/tháng, 4 tầng còn lại làm khách sạn với giá thuê 90 triệu đồng/tháng.
Thông tin khách sạn Hà Nội rao bán nhan nhản trên các trang mạng.
Hàng loạt khách sạn mini khác tại các phố Hàng Gai, Hàng Buồm (Hoàn Kiếm), Đặng Thai Mai, Trúc Bạch , Quảng An (Tây Hồ)...là những nơi trước đây kinh doanh khách sạn "hái ra tiền" cho khách Tây thuê nhưng hiện nay cũng đang rao bán ồ ạt.
Không chỉ hệ thống khách sạn mini ở khu phố cổ, Hồ Tây điêu đứng, nhiều khách sạn thuộc hàng ông lớn ở Hà Nội cũng đang tìm chủ mới. Tọa lạc trên diện tích 1.500m2 tại khu đất vàng số 146 phố Giảng Võ quận Ba Đình, khách sạn 5 sao Grand Vista Hanoi có quy mô 23 tầng với 170 phòng được rao bán 950 tỷ đồng.
Một số chủ khách sạn cho biết, du lịch Hà Nội lâu nay mang tính chất đặc thù, nguồn khách du lịch của Hà Nội chủ yếu là khách nước ngoài với loại hình du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử. Chính vì thế, khi hoạt động du lịch lữ hành quốc tế đóng băng, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành và khách sạn điêu đứng.
“Trước khi xảy ra dịch bệnh, trung bình mỗi tháng, khách sạn của tôi thu về khoảng 450 triệu đồng, trừ các chi phí, còn lại lãi khoảng 250 triệu. Từ Tết Âm lịch đến nay, doanh thu khách sạn đã thiệt hại lên đến vài tiền tỷ do dịch Covid-10. Do hàng tháng phải thanh toán tiền vay ngân hàng trả lãi nên tôi đang tính đên phương án bán khách sạn thu hồi vốn trả nợ”, một chủ khách sạn mini trên phố cổ cho biết.
Theo tìm hiểu, phần lớn các khách sạn đang rao bán nguồn vốn kinh doanh chủ yếu vay từ các ngân hàng. Khi dịch Covid-19 kéo dài, du lịch đóng băng, du khách nước ngoài không có, đã khiến việc kinh doanh thua lỗ kéo dài. Dù đã cắt giảm chi phí, tạm đóng cửa song nhiều doanh nghiệp vẫn không thể kham nổi, buộc phải trả lại hoặc rao bán nhà với giá từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng.