Bắt đầu thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) từ năm 2009 nhằm mở rộng đường 32 (Hồ Tùng Mậu, đoạn qua quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), nhưng cho đến nay dự án này vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện đòi quyền lợi của người dân.
Dự án đường 32 vẫn còn tồn đọng về GPMB?
Theo đó, một số hộ dân là bà Nguyễn Thị Dung, và các ông bà : Nguyễn Đức Huỳnh, Nguyễn Đức Long và bà Nguyễn Thị Hiên cùng trú tại số 62 tổ 20 phường Mai Dịch đã liên tục có đơn gửi đến cơ quan chức năng và báo chí đề nghị được giải quyết quyết lợi của mình.
Bà Dung phản ánh, thửa đất số 156 số hiệu: 10113072547 thể hiện tại tờ bản đồ số 27 (bản đồ UBND xã Mai Dịch, Cầu Giấy) mang tên cụ Nguyễn Thị Ba có nguồn gốc từ thời Pháp thuộc do cha ông để lại. Năm UBND xã Mai Dịch và hợp tác xã Nông nghiệp Mai Dịch đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Chứng nhận sử dụng đất của cụ Nguyễn Thị Ba
Cụ Nguyễn Thị Ba đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính để chuyển đổi mục đích sử dụng. Đến năm 1988, cụ Ba đã xây dựng 4 căn hộ chia cho các con, cháu với các mảnh đất có diện tích là: 59,6m¬2 cho Nguyễn Thanh Tịnh - con trai và Nguyễn Thị Dung - con dâu; 49m2 cho cháu nội Nguyễn Đức Long; 44m2 cho cháu Nguyễn Đức Huỳnh; 55m2 cho cháu Nguyễn Thị Hiên. Cả 4 hộ trên đều đã sinh sống ổn định và có sổ hộ khẩu riêng biệt cho đến ngày có quyết định GPMB.
Chứng nhận sử dụng đất của nhà bà Nguyễn Thị Dung
Năm 2009, dự án mở rộng đường 32 (đoạn qua Hồ Tùng Mậu) chính thức được triển khai.
Ngày 03/09/2010, UBND quận Cầu Giấy ban hành quyết định số 2732/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đối với các ông bà: Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Đức Huỳnh, Nguyễn Đức Long, Nguyễn Thị Hiên với tổng diện tích là 149 mét vuông, nhưng các hộ cư dân này lại không được bố trí đất tái định cư.
Bên cạnh đó, hộ gia đình bà Dung có 04 hộ khẩu với 3 vị trí đất ở khác nhau nhưng không hiểu sao Hội đồng bồi thường – GPMB quận Cầu Giấy lại lập phương án đền bù lại gộp cả 4 hộ của gia đình bà Dung làm một.
Không chấp nhận quyết định trên, gia đình bà Dung đã có đơn đề nghị hội đồng thẩm tra, xác minh lại.
Theo kết quả phúc tra ngày 28 và 29 /3/2011, đoàn xác minh của UBND phường Mai Dịch kết luận như sau: "Hộ bà Nguyễn Thị Hiên có diện tích 57,4m2, Hộ bà Nguyễn Thị Dung có diện tích 98,9m2; Hộ ông Nguyễn Đức Long có diện tích 51,1m2 . Cán bộ Ban dự án và Công an phường Mai Dịch khẳng định 4 hộ này chỉ có chỗ ở này là duy nhất và không có chỗ ở nào khác, nên việc bồi thường cho họ Ban GPMB phải điều chỉnh lại".
Trong số các hộ trên thì gia đình bà Dung đã được cụ Ba trao quyền sử dụng với diện tích 61m2 đất của lại bị hội đồng bồi thường GPMB quận Cầu Giấy lập phương án chuyển cho bà Nguyễn Thị Kim Liên( trú tại phường Mai Dịch) nhưng tại thời điểm đó bà Liên đang cư trú tại Cộng hòa liên bang Nga.
Đến ngày 27/03/2015, bà Liên trở về nước đã làm đơn trao trả lại thửa đất mà bà khẳng định là không phải của mình cho phòng tài chính kế hoạch quận Cầu Giấy( có đơn kèm theo).Ngày 01/06/2016, UBND quận Cầu Giấy ban hành kết luận thanh tra số 2212KL-UBND. Theo đó UBND quận Cầu Giấy y đơn chuyển chủ sử dụng đất được đền bù từ bà Nguyễn Thị Kim Liên sang chủ sử dụng là đồng thừa kế của cụ Nguyễn Thị Ba.
Ngày 04/08/2016, UBND quận Cầu Giấy ban hành quyết định số 3085/QĐ-UBND về việc điều chỉnh tên chủ sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản trong phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được UBND quận phê duyệt tại quyết định số 2728/QĐ-UBND ngày 03/09/2010 khi GPMB thực hiện dự án mở rộng quốc lộ Theo chỉ giới mở rộng đường 50m từ hộ gia đình bà Nguyễn Thị Kim Liên thành các đồng thừa kế của bà Nguyễn Thị Ba”. Theo phương án, diện tích thu hồi là 59,6 mét vuông với tổng số tiền là 1.147.505.890 đồng.
Bà Nguyễn Thị Dung cho biết, diện tích GPMB của đại gia đình là 207.6m, nhưng hội đồng bồi thường dự án mở rộng đường 32 lại lập phương án chia tách thửa đất có cùng nguồn gốc này thành hai loại đất với giá bồi thường khác nhau?
“Với diện tích 104m2 được bồi thường giá là 31.800.000 đồng/m2 và 37m2 được bồi thường giá 50.000 đồng/m2 . Phương án này là không hợp lý đề nghị UBND quận Cầu Giấy xem xét lại toàn bộ quy trình thu hồi hơn 200 mét vuông nằm trong phần đất thổ cư, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm của chính quyền” – Bà Dung bức xúc nói.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Anh Ninh, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy (là người bà Nguyễn Thị Dung ủy quyền) cho biết: Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (HĐ BTHT & TĐC) quận Cầu Giấy đã làm việc chưa được thấu đáo: Chuyển quyền sở hữu từ hộ bà Dung sang hộ bà Liên.
Trao đổi với PV, lãnh đạo phường Mai Dịch cho biết, sự việc giải quyết GPMB đã tồn động từ khá lâu rồi. Mọi hồ sơ về vụ việc trên phường đã bàn giao cho Quận Cầu giấy để giải quyết triệt để sự việc trên.
Ngày 24/02/2017, UBND quận Cầu Giấy ra văn bản số 154/UBND, do phó chủ tịch Trần Việt Hà ký yêu cầu UBND phường Mai Dịch cung cấp hồ sơ phương án đền bù lại của bà Liên cho bà Dung.
Theo bản đồ đo vẽ năm 1994, toàn bộ diện tích của gia đình cụ Ba (mẹ chồng bà Dung) là đất thổ cư với 345 m2. Nhưng khi tiến hành lập các phương án đền bù cho các đồng thừa kế gia đình bà Dung, HĐ BTHT&TĐC quận Cầu Giấy đã cho rằng hơn 70,4 m2 bồi thường, hỗ trợ dưới giá đất ở, trong đó có 8,1 m2 được đền bù bằng 50% giá đất ở, diện tích còn lại được hỗ trợ 50.000đ/m2. Các đồng thừa kế của gia đình bà Dung đều có hộ khẩu thường trú trước khi có phương án đền bù nhưng lại không được bố trí đất tái định cư như những trường hợp khác ở cùng khu vực.
Ngày 30/10 vừa qua, Thanh tra quận Cầu Giấy đã yêu cầu hộ gia đình khiếu kiện về “bất cập” trong GPMB tại dự án đường 32 nhằm làm rõ sự việc trên.
Luật sư Trần Tư – VP luật sư Ánh sáng Công lý cho biết, việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi GPMB của gia đình bà Dung cần xem xét lại hai nội dung quan trọng là: Thứ nhất là, gia đình bà Dung có 04 hộ khẩu với 03 vị trí đất khác nhau nhưng Hội đồng bồi thường GPMB quận Cầu Giấy lại gộp 04 hộ vào làm một. Thứ hai là việc bồi thường với giá khác nhau đối với cùng một diện tích đất như trên là có phù hợp hay không.
Theo quy định tại Điều 18 Thông tư 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất thì: “Trường hợp trong hộ gia đình có nhiều thế hệ (nhiều cặp vợ chồng) cùng chung sống đủ điều kiện tách hộ hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một (01) thửa đất ở bị thu hồi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương để quy định diện tích đất, diện tích nhà ở để bố trí tái định cư.”
Như vậy, theo quy định trên thì trong một thửa đất có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất bị thu hồi thì mỗi hộ gia đình vẫn có quyền được bố trí tái định cư khi bị thu hồi đất. Trong trường hợp này gia đình bà Dung cần có căn cứ chứng minh tại thời điểm thu hồi đất gia đình bà có 04 hộ khẩu đang có quyền sử dụng đất để yêu cầu việc tái định cư đối với từng hộ một.
Luật sư Tư cũng cho biết thêm, quy định tại Điều 9 Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 có quy định: " Giá đất để tính bồi thường là giá đất theo mục đích đang sử dụng tại thời điểm có quyết định thu hồi đất do ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố theo quy định của Chính phủ; không bồi thường theo giá đất sẽ được chuyển mục đích sử dụng." Do đó, giá đất của gia đình bà Dung nếu là cùng một thửa đất có mục đích sử dụng như nhau thì theo quy định trên khi được bồi thường phải được tính theo giá như nhau. Đối với trường hợp này gia đình bà Dung cần phải có căn cứ chứng minh toàn bộ đất bị thu hồi có mục đích sử dụng giống nhau.
Xem link gốc tại đây