Đầu tư theo quy hoạch, siêu dự án là hướng đầu tư đón sóng thị trường được nhiều nhà đầu tư lựa chọn bởi lợi nhuận cao, thời gian chôn vốn ngắn. Tuy nhiên, ngay cả khi lao theo những thông tin hoàn toàn xác thực, nhà đầu tư cũng không dễ dàng “hốt bạc”, thậm chí vẫn thất bại. Thị trường bất động sản luôn là một ẩn số thú vị.
Tháng 3/2018, khi dự án đại siêu thị Aeon Mall được khởi công tại Hà Đông, giới đầu tư sôi sục với sự kiện này. Aeon Mall Hà Đông có quy mô 9,5ha, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 200.000m2 và tổng mức đầu tư khoảng 200 triệu USD (tương đương 4.500 tỷ đồng).
Dự kiến, sau khi hoàn thành vào cuối năm 2019, dự án sẽ trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam. Hơn nữa, đại siêu thị tọa lạc tại vị trí mặt đường Ngô Thì Nhậm (Dương Nội, Hà Đông), là khu vực tập trung nhiều dự án chung cư.
Các dự án chung cư được khởi công và mở bán tại khu vực này từ năm 2018 đều “ăn theo” sự xuất hiện của Aeon Mall như một yếu tố khẳng định giá trị. Ngay lập tức, thị trường cũng xuất hiện một lớp nhà đầu tư đón sóng siêu dự án, xuống tiền với những dự án chung cư có vị trí gần Aeon Mall, với niềm tin căn hộ sẽ tăng giá mạnh theo tiến độ xây dựng của đại siêu thị.
Trên thực tế, kịch bản lướt sóng hưởng chênh đã không diễn ra. Chị Cao Thu Ngân (Ba Đình, Hà Nội) xuống tiền với 2 căn hộ thuộc 1 dự án cách Aeon Mall khoảng 1km. Dự án chung cư bàn giao gần thời điểm đại siêu thị sẽ hoàn thành nên chị Ngân tin rằng các căn hộ sẽ tăng giá mạnh.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, khi Aeon Mall đã được cất nóc, hoàn thiện phần thô và đang trong quá trình thực hiện các hạng mục còn lại và dự kiến sẽ chính thức đưa vào sử dụng cuối năm 2019 thì giá các căn hộ của chị Ngân vẫn không tăng đột biến. Mức tăng rất nhẹ, chỉ 2-5% theo tiến độ xây dựng.
Mới đây, chị Ngân đã giao dịch thành công cả 2 căn hộ trên thị trường thứ cấp với mức chênh lần lượt là 40 và 55 triệu đồng/căn. Với mức chênh thu về được, chị Ngân cho biết mình đã lỗ nếu so với việc đem tiền gửi ngân hàng.
Tương tự, anh Nguyễn Tiến Mạnh (nhân viên kinh doanh một công ty bán máy lọc nước ở Cầu Giấy) cũng mua đầu tư một căn hộ tại khu đô thị Dương Nội. Dự án anh mua cách đại siêu thị Aeon Mall 5 phút đi xe máy. Do đó, sau khi kí hợp đồng mua bán cũng là thời điểm đại siêu thị khởi công, anh Mạnh dự tính khi căn hộ tăng giá mạnh sẽ bán hưởng chênh ngay lập tức.
Thế nhưng, hơn 1 năm qua, căn hộ chỉ tăng nhẹ theo tiến độ xây dựng, không đột biến giá như anh Mạnh kì vọng.
Không chỉ chị Ngân hay anh Mạnh, nhiều nhà đầu tư lao vào các dự án căn hộ gần đại siêu thị Aeon Mall với mục đích lướt sóng đều ngậm ngùi khi sóng không cao trào như dự tính. Theo khảo sát của PV, dù không ghi nhận trường hợp cắt lỗ sâu nhưng nhóm nhà đầu tư đổ tiền vào các dự án chung cư ăn theo Aeon Mall đều hòa vốn hoặc lỗ nhẹ.
Lý giải về trường hợp này, ông Lương Kim - một nhà đầu tư và cũng là một môi giới lâu năm tại thị trường Hà Đông cho biết, về mặt quy luật thì sự hiện diện của các ông lớn với các siêu dự án sẽ kích thích giá trị bất động sản khu vực. Do đó, xu hướng đón sóng thị trường của giới đầu tư là tất yếu. Tuy nhiên, việc đầu tư vào một khu vực nào đó, không chỉ đơn thuần là đổ tiền theo quy hoạch hay siêu dự án mà còn phải căn cứ vào diễn biến hiện tại của thị trường đó.
Cũng theo ông Kim, từ nhiều năm nay, không chỉ Hà Đông mà thị trường Hà Nội nói chung, phân khúc căn hộ đã không có cửa cho nhà đầu tư lướt sóng bởi sự bão hòa nguồn cung. Đáng chú ý, Hà Đông lại là một trong những tâm điểm của sự dồi dào nguồn cung này. Do đó, sóng đã không nổi với các dự án chung cư khi đại siêu thị hiện diện tại đây.