Kỳ họp được tổ chức theo kết luận tại phiên họp thứ mười một ngày 12/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô .
Để chuẩn bị tốt cho kỳ họp, Thường trực HĐND thành phố sẽ phối hợp UBND thành phố trong việc chỉ đạo chuẩn bị và xem xét nội dung tại kỳ họp; phân công Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố phối hợp với UBND thành phố và sở, ngành chức năng trong quá trình chuẩn bị nội dung trình kỳ họp; tổ chức thẩm tra báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết theo phân công của Thường trực HĐND thành phố.
Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố phối hợp với Văn phòng UBND thành phố, các cơ quan chức năng chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ kỳ họp bảo đảm chu đáo, chất lượng.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng phân công và chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố chuẩn bị đầy đủ tài liệu, tờ trình, dự thảo nghị quyết tại kỳ họp chuyên đề theo quy định.
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội , Dự án đường Vành đai 4 có tổng chiều dài 112,8km, đi qua địa phận: Thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Dự án có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng (nguồn vốn gồm ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương, nhà đầu tư PPP); trong đó có 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long.
Dự án được đầu tư với mục tiêu, xây dựng tuyến đường Vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, tạo không gian phát triển mới, điều tiết dân số cho khu vực nội đô và sử dụng đất đai hiệu quả.
Tuyến đường Vành đai 4 có chiều rộng mặt cắt ngang hoàn chỉnh từ 90 – 135 mét, tương đương 14 làn xe cho cả làn đường cao tốc đi trên cao và đường đô thị song hành 2 bên.
Đối với đường trên cao sẽ được đầu tư theo tiêu chuẩn cao tốc, vốn thực hiện được đầu tư theo hình thức PPP hợp đồng BOT. Sau khi đường cao tốc thi công xong và thông xe nhà đầu tư sẽ triển khai thu phí. Hệ thống thu phí tuyến đường được áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng, có hệ thống giám sát trực tuyến; tổ chức quản lý, vận hành khai thác phù hợp, đảm bảo thống nhất, đồng bộ và tiết kiệm chi phí đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng (giảm hơn 9.200 tỷ đồng so với phương án thành phố Hà Nội và Nhà đầu tư báo cáo năm 2021). Nguồn vốn này được huy động, gồm: ngân sách Trung ương: 28.200 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 28.203 tỷ đồng (Thành phố Hà Nội: 23.594 tỷ đồng; Hưng Yên: 1.509 tỷ đồng; Bắc Ninh: 3.100 tỷ đồng); Nhà đầu tư BOT 29.410 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án, năm 2025 (rút ngắn 5 năm so với báo cáo của thành phố Hà Nội và Nhà đầu tư năm 2021).