Tết là lúc Hà Nội yên tĩnh nhất. Ngày Giỗ Tổ, ngày Quốc khánh, ngày Quốc tế Lao động… người ta có thể vì lý do này, lý do khác mà ở lại, nhưng dịp Tết thì những người con xa xứ không ai không cố gắng về sum họp với gia đình.
"Tôi thấy người Việt chuẩn bị từ hai tuần trước Tết. Họ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ đạc, và một số người nói với tôi là họ sẽ trả hết nợ nần trước Tết, tất cả để có một khởi đầu mới suôn sẻ. Chợ đông đúc hơn. Đây cũng là thời gian để mua hoa, chẳng hạn như hoa đào, hoa mai cây quất. Tôi nghĩ đối với khách du lịch, đây là thời điểm tuyệt vời để đến Việt Nam. Mọi người đều có tinh thần rất lễ hội và đường phố được trang trí rất đẹp.
Ba ngày sau Tết, Hà Nội không có tiếng còi inh ỏi, không còn tiếng nhạc xập xình. Những con đường từng chật cứng người, xe máy và cửa hàng chỉ vài ngày trước đã gần như biến thành một thành phố không người. Hầu hết các cửa hàng và nhà hàng đã đóng cửa. Bây giờ tôi đã có chỗ để đi bộ trên vỉa hè - vì chúng không còn được sử dụng làm bãi đỗ xe máy. Chúng tôi thấy một số ít người Việt Nam mặc quần áo và đi đến nhà của gia đình và bạn bè, nhưng chủ yếu là khách du lịch như chúng tôi, lang thang trên những con đường vắng của Hà Nội. Chúng tôi yêu điều đó" – Tim viết trên trang blog du lịch có hàng triệu người theo dõi của gia đình mình.
Bỏ lỡ cơ hội lớn?
Nhưng cũng có lý do khiến một vài du khách quốc tế không thoải mái với chuyện đi du lịch vào đúng dịp lễ này.
Tết Nguyên đán 2020 chính thức bắt đầu vào ngày 25/1, kéo dài nhiều ngày và thậm chí nhiều tuần ở Việt Nam cũng như cả những nơi khác như Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan. Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, được gọi là Lễ hội Mùa xuân, kéo dài 15 ngày, lễ Seollal của Hàn Quốc kéo dài 12 ngày và Tết Nguyên đán của Việt Nam thì kéo dài chỉ khoảng một tuần. Ở hầu hết các quốc gia, các cửa hàng sẽ đóng cửa vào dịp Tết để nhân viên nghỉ ngơi và chỉ quay trở lại sớm nhất thường vào mùng 3.
CNBC báo cáo, tăng trưởng du lịch Trung Quốc thường chậm lại trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Trung Quốc cho biết du lịch nước ngoài trong lễ hội mùa xuân 2019 chỉ đạt 6,31 triệu chuyến , không được như kỳ vọng là khoảng 7 triệu. Một trong số các lý do là vì, trong kỳ nghỉ đó, hầu hết hàng quán và các cửa hàng cũng đều đóng cửa, giống như ở Việt Nam.
Cách đây một vài năm, khi mới sang Việt Nam, mỗi dịp Tết đến là Connor Walsh – người Mỹ - lại phải chật vật đi tìm chỗ ăn vì hàng quán đóng cửa. Một số hàng thì nghỉ Tết, một số quán thì bởi người Việt kiêng tiêu tiền đầu năm, nên chủ hàng cũng không muốn mở, có mở hàng cũng không bán được nhiều.
"Tôi sang Việt Nam đến nay đã được 5 năm, làm việc ở công ty Việt Nam nên cũng nghỉ Tết Nguyên đán như người Việt Nam. Trước cứ mỗi lần đến Tết là hàng quán đóng cửa hết, muốn mua gì, chơi gì cũng khó. Tôi đi trong phố cổ thấy người nước ngoài còn xuất hiện nhiều hơn người Việt. Thật ra trên phố cổ thì vẫn có hàng quán mở nhưng đương nhiên không nhiều như ngày thường nên chơi cũng không vui.
Lần đầu tiên sang đây du lịch cũng vào dịp này, tôi bị sốc khi thấy trước Tết, đường phố đông đúc nhìn đâu cũng thấy người nhưng đến Tết là Hà Nội chẳng còn mấy bóng người." – Conner nói.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, dự kiến dịp tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2020, khách quốc tế đến Hà Nội chủ yếu vẫn tập trung vào các thị trường khách du lịch trọng điểm là: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Mỹ, Anh, Đài Loan, Pháp, Đức, Úc.
Theo ghi nhận từ các công ty lữ hành tại Hà Nội, lượng khách đi du lịch dịp Tết nguyên đán Canh Tý tăng từ 20 – 25% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều tour du lịch đã sớm khóa sổ. Tuy nhiên, nhiều du khách còn tỏ ra nghi ngại về việc du lịch Hà Nội dịp Tết: "Tôi từng đi Bắc Kinh dịp Tết rồi, mọi thứ đóng cửa hết, ít chỗ chơi hơn ngày thường nhiều, không biết lần này đến Việt Nam sẽ ra sao" – một du khách người Hà Lan cho hay.
"Làm Tết" chứ không nghỉ Tết
Một vài năm trở lại đây, hầu hết các hoạt động kinh doanh sẽ được mở trong dịp Tết Nguyên đán. Các nhà hàng, điểm du lịch, khách sạn, sân bay, những nơi khác đều sẽ được mở và sẵn sàng để tận dụng dịp Tết Nguyên đán. Do nhu cầu tăng, giá có thể cao hơn cho các tour du lịch và chỗ ở.
"Tôi nghĩ là du lịch Tết vẫn sẽ ổn khi có sự chuẩn bị trước, đặc biệt là những người trong một tuần trước và một tuần sau Tết. Trước Tết mọi người đều cố gắng về quê, chủ yếu bằng xe máy, xe khách và tàu hỏa. Máy bay thì đắt hơn. Hãy chuẩn bị cho việc giá cả của dịch vụ di chuyển sẽ đắt đỏ hơn tại thời điểm này, vì có nhu cầu lớn" – Tim nói.
"Những ngày khó nhất để đi du lịch là 2 ngày trước Tết và 3 ngày sau Tết. Trừ khi bạn có phương tiện đi lại riêng, tôi sẽ lên kế hoạch ở một nơi trong thời gian này. Chúng tôi đến Hà Nội bốn ngày trước Tết, cho chúng tôi nhiều thời gian để tham quan và tìm hiểu thành phố trước khi các bảo tàng và doanh nghiệp đóng cửa.
Tìm nhà hàng cũng không phải là một vấn đề quá lớn đâu. Giờ nhiều nhà hàng phục vụ khách du lịch vẫn mở cửa trong dịp Tết. Thật tuyệt khi biết rằng sau khi bạn lang thang qua những con đường thành phố yên tĩnh, bạn vẫn sẽ có thể tìm thấy một bữa ăn ngon".
"Thật ra nếu bạn biết chỗ chơi thì cũng chẳng sao. Giờ tôi thường hay ngồi ở phố Tống Duy Tân. Không riêng gì Tết mà phố này hoạt động 24/24 quanh năm" – Conner nói. "Tôi thấy dịp Tết ở đây vẫn đông đúc, đặc biệt là vào buổi tối, nhưng tôi thấy chủ yếu là các bạn trẻ Việt Nam vì người nước ngoài thường tập trung ở Tạ Hiện hay Lương Ngọc Quyến nhiều hơn. Tôi hay ngồi ở Xofa Café & Bistro ".
Cũng ở trong khu Tống Duy Tân còn rất nhiều cửa hàng khác cũng phục vụ quanh năm như Puku Café and Sports Bar, Aroi Dessert Café,…
Một số nhà hàng địa phương cũng cho biết đã hoạt động xuyên Tết trong vòng vài năm trở lại đây.
"Khách vẫn đông mà, mọi năm thì nghỉ về quê, nhưng nghĩ cả năm có một dịp đắt khách như thế, bỏ qua thì tiếc quá. Nhà anh chỉ có vợ anh và các cháu về quê, anh ở lại, nhân viên cũng nghỉ một nửa còn một nửa ở lại bán xuyên Tết. Giá thì anh có tăng đôi chút nhưng hoàn toàn có thông báo với khách trước, họ cũng thoải mái thôi. Đặc biệt là khách nước ngoài, mọi năm họ không có nhiều chỗ để ăn chơi, mấy năm gần đây thì Tết cũng không khác ngày thường là mấy. Giờ nhiều người người ta "làm Tết" chứ chẳng nghỉ Tết nữa!" – anh Phương – chủ một hàng lẩu ở phố Phùng Hưng tâm sự.
Anh Thắng, 32 tuổi, nhà ở phố Hàng Buồm cho biết: "Thường dịp Tết thì người gốc Hà Nội là ở lại nhiều nhất, nên nếu có hàng quán thì chủ yếu cũng là do họ mở. Tôi còn biết có gia đình cả năm họ chẳng buôn bán gì, hai vợ chồng đều là công chức. Nhưng cứ đến Tết là họ bán hàng ăn vỉa hè, vì Tết thì bán được đắt hơn, mà lại không ai cạnh tranh nên là họ cứ bán đều đều mỗi ngày cũng phải được cả chục triệu. Có năm họ bán phở, năm nay thấy bảo sẽ bán bún ốc. Bảo ngon lắm thì không phải nhưng không ai mở nên người ta vẫn cứ ăn mà".