Người dân đến mua trực tiếp phải đem theo phiếu đi chợ, xếp hàng giãn cách và tuân thủ 5K. Có thể đặt mua online qua nhóm Zalo theo tổ dân phố và nhận hàng theo combo.
Sáng 14/8, điểm bán hàng lưu động đầu tiên trên địa bàn quận (đặt tại ngã ba phố Cự Lộc, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) bắt đầu mở bán từ 6h đến 18h hàng ngày.
Các mặt hàng được bày bán tại đây khá phong phú, từ thịt, cá, gà ,vịt,... đến rau củ, hoa quả theo mùa. Người dân đến mua hàng đều chấp hành nghiêm túc thực hiện 5K của Bộ Y tế.
Tương tự, tại điểm bán hàng lưu động ở quận Long Biên, người dân cũng xếp hàng, giữ khoảng cách vào chọn lựa mua hàng.
Ông Đàm Mạnh Tuấn - Giám đốc siêu thị Aeon - cho biết, siêu thị đang triển khai 4 địa điểm do quận chỉ định và được quận hỗ trợ mặt bằng, nhà rạp, điện cùng các tình nguyện viên. Siêu thị lên danh sách các mặt hàng thiết yếu như mì tôm, nước mắm, các loại rau củ, quả. Đặc biệt, một số các mặt hàng như thực phẩm tươi sống mà các cửa hàng nhỏ lẻ không có để vận chuyển ra siêu thị lưu động phục vụ cho bà con nhân dân.
Tại Hà Nội, nhiều điểm bán hàng lưu động đã được kích hoạt để phục vụ nhu cầu mua lương thực thực phẩm của người dân trong những ngày giãn cách xã hội |
Ở mỗi điểm bán hàng lưu động của siêu thị có khoảng hơn 300 sản phẩm. Mỗi một buổi sáng, sẽ có một chuyến xe chở khoảng 2 tấn hàng gao hàng, hết sẽ được bổ sung ngay lập tức, ông Tuấn cho hay.
Điểm bán hàng lưu động đầu tiên trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được mở tại địa điểm trường THCS Nguyễn Du (44, 46 Hàng Quạt) phường Hàng Gai cách đây vài ngày.
Bà Cao Lan Phương, Phó chủ tịch UBND phường Hàng Gai, cho biết, phường có 1.587 hộ dân chia làm 6 tổ dân phố. Khi đến mua hàng, người dân được yêu cầu thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch. Lực lượng chức năng gồm Tổ Phòng chống Covid-19 cộng đồng, Đoàn Thanh niên thường xuyên túc trực để kiểm tra và nhắc nhở người dân đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Tại điểm bán hàng lưu động, các mặt hàng được niêm yết giá cả rõ ràng, có bàn ghi phiếu đặt mua hàng, nhân viên sẽ chuẩn bị sẵn. Sau đó, mời bà con lên thanh toán nhận hàng. Điểm bán lưu động được mở vào các ngày thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần cho đến khi Hà Nội hết giãn cách.
Tại điểm bán hàng lưu động phường Hàng Gai, người dân vào mua cần có phiếu mua hàng |
Trên phiếu sẽ ghi đầy đủ thông tin của người đi mua hàng |
Trước khi vào mua lương thực, thực phẩm, người dân bắt buộc phải đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang |
Bên trong điểm bán hàng, mọi người ngồi giãn cách đúng quy định chờ tới lượt được mua |
Các loại rau củ quả tại điểm bán hàng lưu động này rất phong phú |
Người dân có thể chọn tới mua trực tiếp hoặc lên nhóm Zalo của từng tổ dân phố để đặt hàng |
Khi đó, nhân viên tại điểm bán hàng lưu động sẽ giao tới tận nhà theo đúng đơn đã đặt |
Bên cạnh đó, UBND phường còn lập danh sách 6 nhóm Zalo cho 6 tổ dân phố, kết nối khách hàng là bà con các tổ dân phố cùng nhà cung cấp thực phẩm. Hàng ngày, trong nhóm Zalo sẽ có thông tin các mặt hàng được cũng cấp, giá cả, các hộ gia đình có thể đặt hàng, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Nhân viên giao hàng của nhà cung cấp sẽ vận chuyển đến từng hộ gia đình theo danh sách đặt mua, bà Phương cho biết thêm.
Trước đó, Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa dừng hoạt động.
Để đảm bảo nguồn cung và tiếp tục phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục tăng lượng dự trữ hàng hóa tối đa, đổi mới các hình thức kinh doanh, như: tăng cường bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/7,...
Tại nhiều điểm bán hàng lưu động khác ở Hà Nội, người dân đang tranh thủ chọn mua thực phẩm cho gia đình ăn trong vài ngày |
Không đông đúc, không chen lấn, mọi người đều xếp hàng theo trật tự |
Các loại rau, củ, quả khá phong phú. Trường hợp hết hàng sẽ được bổ sung ngay lập tức |
Giá các loại hàng hoá đều được niêm yết rõ ràng |
Khi thanh toán, người dân có thể chọn thanh toán bằng thẻ, chuyển khoản hoặc trả tiền mặt |
Trong trường hợp cần thiết, Hà Nội sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động |
Hiện các doanh nghiệp, các địa phương đã tăng cường mở thêm điểm bán. Cụ thể, hệ thống VinShop đưa vào hoạt động 800 điểm bán hàng thiết yếu trên 30 quận, huyện, thị xã. Sở Công Thương đang phối hợp với Bưu điện Hà Nội tiếp tục mở thêm 472 điểm bán hàng thiết yếu.
Các quận, huyện, thị xã cũng đã xây dựng phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng trong tình huống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong đó, mỗi phường/xã ít nhất tổ chức thêm một điểm bán, những nơi chưa có chợ tổ chức tối thiểu từ 2 điểm bán trở lên.
Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 8.216 điểm bán hàng bình ổn giá đã được Sở Công Thương niêm yết công khai để người dân mua lương thực, thực phẩm cũng như hàng thiết yếu khác; đồng thời, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí.
Phạm Hải - Châu Giang