Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn- Geleximco của chủ đầu tư là Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), vài năm nay cứ mưa lớn là ngập sau trong biển nước. Theo những người dân sống tại đây, tình trạng ngập nặng tại đây năm nào cũng xảy ra. Hầu hết các hộ dân sống tại đây đều phải sắm máy bơm để hút nước tràn vào hầm khi mưa to.
Cơn mưa lớn kéo dài từ chiều tối ngày 20/7 và rạng sáng ngày 21/7, đã khiến toàn bộ khu đô thị này xảy ra ngập úng cục bộ, nước tràn vào nhà nhiều hộ dân. (Ảnh TPO)
Khu nhà liền kề, biệt thự của tập đoàn Geleximco ngập nặng, nước tràn vào các hầm nhà để xe ngày 21/7/2018 mặc dù người dân đã cố gắng đắp các bao tải đất để ngăn nước.
Cứ mưa lớn là khu đô thị mới Lê Trọng Tấn – Geleximco ngập trong biển nước. Nhiều cư dân ở đây vẫn nói với nhau "cứ mưa to là họ rẽ sóng ra khơi, được đi thuyền trên phố". (Ảnh cư dân)
Do sáng nay nước ngập sâu từ 70cm đến gần 1m không thể di chuyển bằng các phương tiện thông thường nên nhiều hộ dân tại khu đô thị Geleximco (Hà Nội) phải đi lại bằng xuồng.
Không chỉ ngập nặng trong khu đô thị Gemeximco mà đường vào khu đô thị này cũng chìm trong biển nước. (Ảnh Internet).
Còn nhớ năm ngoái, trận mưa sáng 17/7/2017 cũng đã "nhấn chìm" hàng loạt ngôi biệt thự triệu đô Geleximco - Lê Trọng Tấn chìm trong biển nước. (Ảnh VTC News)
Nước ngập sâu tràn xuống tầng hầm các căn liền kề Geleximco. (Ảnh VTC News)
Theo các cư dân ở đây, khu đô thị này xây dựng cả chục năm nay nhưng đến nay nhiều nhà vẫn bỏ hoang, không ai về ở, phần nhiều cũng vì do hạ tầng xã hội chưa được hoàn thiện, trong đó có việc ngập úng.
Giải thích nguyên nhân khu biệt thự Geleximco thường xuyên ngập nặng khi mưa lớn các kiến trúc sư cho biết do phần lớn các biệt thư được xây trên nền ruộng lúa, ao hồ trước đây là vùng trũng. Các chủ đầu tư mạnh ai nấy làm, công tác giám sát kém, không thực hiện đúng quy hoạch dẫn đến chỗ thấp, chỗ cao.
Thêm vào đó, trong khi hạ tầng tiêu thoát nước chung của TP. Hà Nội còn kém thì việc chủ đầu tư chỉ làm nhà bán lấy tiền mà không dành diện tích đào hồ điều hòa, cứ dựa vào sông Nhuệ để tiết kiệm chi phí nên khi mưa to, đường thoát ra sông Nhuệ không đáp ứng được thì ngập úng là khó tránh khỏi.