Đề án phát triển làng Cựu được tiến hành dựa trên 2 yếu tố, khôi phục lại thương hiệu may và tái sử dụng các công trình cổ của làng.
Làng Cựu (xã Vân Từ, H. Phú Xuyên, TP. Hà Nội) là một ngôi làng đặc biệt. Thời Pháp thuộc, làng bị giặc đốt, con em trong làng phải tha hương tứ xứ kiếm ăn. Rất nhiều người chọn Hà Nội để làm thuê. Vừa làm vừa học, họ trở thành những thợ may nổi tiếng, chuyên đồ âu phục.
"Thợ may Tây" của làng Cựu xưa. Ảnh tư liệu |
Trước năm 1945, người dân quanh vùng gọi làng Cựu là làng "thợ may Tây”. Còn những thợ may Tây mở cửa hàng, cửa hiệu trên phố cổ Hà Nội được gọi là “thợ may đệ nhất Hà Thành”. Cùng với sự giàu có của những chủ hiệu may trên phố, là những ngôi biệt thự bề thế ở làng.
Sau năm 1945, cùng với sự đô thị hóa, những ngôi biệt thự thành nhà hoang. Đến nay, làng Cựu còn 49 biệt thự cổ, nhưng quá nửa bị bỏ hoang hoặc chỉ có một người trông nom. Nghề may âu phục của làng cũng mai một, làng “thợ may đệ nhất Hà Thành” giờ chủ yếu nhận gia công những bộ vest hoặc trang phục công sở đại trà.
Biệt thự cổ ở làng Cựu hiện nay |
Sau nhiều năm bị “bỏ quên”, hiện nay, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (ĐH Xây dựng) cùng Nhóm nghiên cứu mô hình làng nghề - du lịch và làng di sản - du lịch (ĐH Xây dựng) đã có những nghiên cứu và hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể của làng Cựu, thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế.
Đại diện Khoa Kiến trúc và Quy hoạch - PGS.TS Phạm Hùng Cường, đại diện Nhóm nghiên cứu - TS Lê Quỳnh Chi và đại diện Desk Italia - ông Alberto Sebastinelli đã cùng cam kết hợp tác phát triển làng Cựu.
Một góc làng Cựu |
Theo đó, đề án phát triển làng Cựu sẽ được tiến hành dựa trên hai yếu tố, khôi phục lại thương hiệu may thông qua giải pháp mới cho nghệ thuật làm đẹp như thời trang, đồ thủ công, nội thất; và tái sử dụng các công trình cổ của làng Cựu.
(Theo Báo Phụ nữ)