Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 4764 về việc thành lập Hội đồng thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo.
Theo đó, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt 19 thành viên hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Nhiệm vụ, trách nhiệm và phương thức hoạt động của hội đồng được thực hiện theo quy chế làm việc, quy chế tuyển chọn, nhiệm vụ thiết kế được duyệt và các quy định liên quan.
Theo quyết định, Chủ tịch Hội đồng là TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng là TS.KTS Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Chí Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội.
Ngoài ra, có 16 thành viên là Ủy viên Hội đồng gồm: Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội; ThS.KTS Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội; ThS.KTS Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; TS.KTS Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội; GS.TS.KTS Salvador Pérez Arroyo - Tây Ban Nha; KTS Gré goire Du Pasquier - Thụy Sĩ; TS.KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam….
UBND TP Hà Nội quyết định thành lập Hội đồng thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng.
Như Tiền Phong thông tin, mới đây Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đề xuất UBND TP Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo mang phong cách cổ điển “xứ Đông Dương”, kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp và bờ bắc - khu vực phát triển mới bắc sông Hồng. Phương án sẽ mang dáng vẻ cổ điển, gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính.
Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin này được công bố đã có không ít ý kiến trái chiều của các chuyên gia, kiến trúc sư, thậm chí trên các diễn đàn cũng tranh luận về thông tin này. Nhiều ý cho rằng, Hà Nội cần phải tổ chức thi tuyển thiết kế để chọn ra cây cầu có kiến trúc đẹp, mang tính biểu tượng, cùng với đó cần phải tổ chức lấy ý kiến cộng đồng trước khi phê duyệt.
Góp ý về kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam cho rằng, về hình thức kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo cần phải trở thành một biểu tượng của thời đại, phản ánh được tư tưởng của thời kỳ khai sinh ra nó, phải là kết tinh của công nghệ, khoa học và trí tuệ hiện tại, hướng tới tương lai. Cây cầu nên trở thành một biểu tượng về lịch sử, thẩm mỹ và văn hóa đương đại.
“Vì vậy, rất không nên lặp lại phong cách kiến trúc “Đông Dương” như thuyết minh của tác giả đồ án. Hơn nữa, phương án đưa ra từ đầu đến nay cũng không phải là phong cách kiến trúc Đông Dương mà là hình thức mô phỏng khiên cưỡng nệ cổ, pha trộn hỗn tạp với nhiều chi tiết kiến trúc châu Âu từ thời trung cổ… Nếu muốn khai thác giá trị kiến trúc Pháp thuộc thì chỉ nên phát triển tinh thần cốt lõi của kiến trúc đó trong kiến trúc cầu hiện đại. Đó là sự ổn định, đĩnh đạc, sang trọng, thanh nhã”, Hội KTS Việt Nam nhấn mạnh.
Về mặt pháp lý, Hội KTS Việt Nam cho rằng đây là công trình công cộng rất quan trọng, điểm nhấn trong khu lõi đô thị và trên các tuyến đường chính của Hà Nội nên quy trình thực hiện cần đặt lên hàng đầu yếu tố cẩn trọng tuyệt đối, tránh hậu quả đáng tiếc, không còn cơ hội sửa chữa.
Vì vậy, nên thực hiện thi tuyển kiến trúc, theo quy định của Luật Kiến trúc (điều 17, khoản 2). Nhiều địa phương cũng đã thực hiện thi tuyển Kiến trúc công trình cầu như cầu Thủ Thiêm 2 ở TP. Hồ Chí Minh; cầu đi bộ qua sông Hương ở TP.Huế…
UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng theo hình thức BOT với tổng kinh phí 8.900 tỷ đồng. Dự án cầu chính dài 800 mét, 6 làn xe, tính cả cầu chính và đường dẫn dự án là 5,5 km.