"Mọi người đang rất hân hoan. Ngành nhà hàng này thì cái bếp cần luôn đỏ lửa", ông Vũ Oanh - Phó Giám đốc Marketing của hệ thống ẩm thực bao gồm chuỗi Thế giới Hải sản, Nhà hàng Nhật Hatoyama và Nhà hàng Song Dương – chia sẻ với chúng tôi sau thông tin Hà Nội nới lỏng một số hoạt động kinh doanh, trong đó có dịch vụ bán đồ ăn mang về tại 19 quận, huyện và thị xã.
Ba chuỗi nhà hàng trên có tổng cộng 10 cơ sở tại Hà Nội. Làm việc với chính quyền địa phương sau thông tin Hà Nội cho phép hoạt động bán mang về, ông Oanh cho biết hệ thống ẩm thực bên ông đã mở lại 3 cơ sở: Một ở Nam Từ Liêm, hai ở Cầu Giấy.
Đầu bếp tại chuỗi nhà hàng đang chuẩn bị món ăn.
"Ngay từ khi nhận được thông tin được mở cửa hoạt động bán mang về, chúng tôi ngay lập tức có sự chuẩn bị. Việc quan trọng nhất là chuẩn bị phòng chống dịch. Khi bếp hoạt động trở lại chúng tôi vệ sinh khử khuẩn toàn bộ bếp. Tất cả cán bộ nhân viên mỗi người có ít nhất 1 mũi tiêm vaccine phòng Covid-19".
"Sau khi công tác chống dịch, chúng tôi lập tức huy động nhân sự từ tối 15/9 để các bạn sắp xếp đi làm, chế biến, chuẩn bị tinh thần bán đồ ăn mang về cho thực khách", ông Oanh nói.
Tổng nhân sự của hệ thống ẩm thực Thế giới Hải sản, Hatoyama và Song Dương là 600 người, do mở 3/10 cơ sở và chỉ bán mang về, hiện số nhân sự huy động trở lại làm việc áng chừng ở mức 10 – 15%.
Ông Hoàng Tùng - Founder kiêm CEO Pizza Home và Cloud Cook. Ảnh: Hoàng Hải.
Pizza Home và Cloud Cook cũng đã mở bán trở lại ngay ngày đầu quyết định bán mang về có hiệu lực, ông Hoàng Tùng – CEO Pizza Home và Cloud Cook cho biết.
"Chúng tôi may mắn có một số địa điểm nằm ở khu vực được hoạt động trở lại dịch vụ bán đồ ăn mang về. Mở lại thế này thực ra chỉ cần mong hòa là vui rồi, nhưng sẽ có một số cái lợi:
- Nhân viên ở nhà quá lâu rồi và cũng háo hức đi làm. Giờ coi như nhúc nhắc có việc lại để nâng cao tinh thần cho anh em.
- Chuẩn bị một số sản phẩm đặc biệt cho các dịp sắp tới như Trung Thu, hay 10/10 Giải Phóng Thủ Đô. Hy vọng là làm tốt thì cũng sẽ có thêm những nguồn doanh thu giúp duy trì doanh nghiệp tốt hơn", ông Hoàng Tùng nói.
Trái ngược với Thế giới Hải sản và Pizza Home, nhiều chuỗi F&B vẫn chưa thông báo ngày trở lại.
Hai đơn vị ẩm thực lớn nhất Việt Nam là Redsun và Golden Gate chưa có động thái cho việc mở lại dịch vụ bán mang đi.
Chuỗi nhà hàng Lào - Khao Lao của Redsun chưa thông báo bán hàng, dù có cơ sở tại quận Ba Đình. Chuỗi nhà hàng Thai Express cũng lâm vào cảnh tương tự. Trước đó, ThaiExpress thông báo trên fanpage chính thức việc đóng vĩnh viễn cửa một cơ sở tại Mipec Tây Sơn.
Còn thở là còn gỡ, cố gắng ngã ở đâu đứng dậy ở đó
37 Street – chuỗi nhà hàng Việt của Golden Gate có 2 cơ sở ở Ba Đình và Cầu Giấy cũng chưa có động thái gì. iSushi – một chuỗi nhà hàng Nhật Bản của Cổng Vàng cũng chưa thông báo hoạt động trở lại hoạt động bán mang đi, dù 2/6 cơ sở nằm ở quận được phép bán đồ ăn mang về.
Trên ứng dụng Golden Spoon, chuỗi nhà hàng lớn nhất Việt Nam này cũng không có thông báo mới. Hiện Golden Gate có vẻ tập trung nhiều hơn vào mảng bán đồ ready-to-cook trên các sàn thương mại điện tử.
Soya Garden của Shark Thủy cũng tạm ngưng bán, dù có 1 cơ sở tại Văn Cao - Ba Đình và 1 cơ sở tại Hoàng Đạo Thúy - Cầu Giấy (theo thông tin trên website chính thức của thương hiệu này).
Thông báo mới nhất trên fanpage của Soya Garden là từ ngày 23/7.
Mặc dù ngành hàng F&B mới chỉ được bán mang đi, ông Hoàng Tùng nhìn nhận: "Thông tin cho mở cửa dù là dần dần cũng là thông tin tích cực, cho thấy dịch bệnh dần được khống chế. Vậy nên mình cũng cần phải tích cực theo vì cơ bản là giờ doanh nghiệp F&B khó khăn rồi, còn thở là còn gỡ, cố gắng ngã ở đâu đứng dậy ở đó, cố chạy để hoàn thành được phần nào kế hoạch năm càng nhiều càng tốt".
Theo quy định, 19 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội được phép hoạt động lại dịch vụ bán đồ ăn mang về từ trưa 16/9 gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Tây Hồ, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa.