Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Xây Dựng Lê Văn Dục trong phiên chất vấn sáng nay (6/12) tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP. Hà Nội khoá XV.
Vấn đề nhà "siêu mỏng, siêu méo" được rất nhiều đại biểu quan tâm đưa ra nhiều câu hỏi chất vấn bởi ngoài 132 công trình siêu mỏng, siêu méo tồn tại trên 12 năm, 56 trường hợp tồn tại ở giai đoạn 2014-2016 thì năm 2017 khi thi công tuyến vành đai 3 ở đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội tiếp tục phát sinh 8 trường hợp mới.
Trong buổi chất vấn, Đại biểu Đoàn Việt Cường, tổ đại biểu Mê Linh nêu ý kiến, 132 công trình "siêu mỏng, siêu méo" vi phạm lâu năm tại các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy... trong khi còn nhiều quận chưa xử lý dứt điểm các tồn tại cũ thì nhiều quận lại để phát sinh các vi phạm mới trong xây dựng nhà "siêu mỏng, siêu méo". Đại biểu đề nghị Sở Xây dựng và các quận như: Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Đống Đa… trả lời nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp xử lý cụ thể.
Trả lời chất vấn của đại biểu, về vấn để giải quyết nhà "siêu mỏng, siêu méo", Giám đốc Sở Xây Dựng Lê Văn Dục cho biết, Sở Xây dựng phân chia làm 3 nhóm, trong đó nhóm 1 là nhóm tồn tại lâu năm gồm 132 công trình "siêu mỏng, siêu méo" đã tồn tại trên 12 năm (trục Văn Cao, Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, Đào Tấn, Thanh Nhàn...).
"Nếu cứ để đấy thì giống "siêu mỏng, siêu méo" treo, không ai đề xuất giải quyết. Trong cả năm 2017 rất vất vả mới chỉ 16 trường hợp được giải quyết, đó là những trường hợp dễ còn bây giờ còn những trường hợp không thể hợp khối", ông Lê Văn Dục nêu ý kiến.
Theo ông Lê Văn Dục, Sở Xây dựng và liên ngành đã kiểm tra từng trường hợp "siêu mỏng, siêu méo", tất cả các trường hợp người dân đã ở và kinh doanh, một số công trình trong 132 đã được chỉnh trang, hạ chiều cao. Nhóm này chúng tôi đề xuất với các quận: Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa và một số quận khác có vi phạm mạnh dạn đề xuất với UBND Thành phố phương án giải quyết. Còn 54 trường hợp phản cảm ví dụ phố Đào Tấn có trường cao 5 tầng, rất mỏng, nhìn nghiêng cũng xấu, nhìn thẳng cũng xấu thì phải tham mưu với UBND Thành phố thu hồi.
Nhóm 2 là nhóm có 54 trường hợp, cao 5 tầng, mỏng, nhìn xấu và phản cảm, gây nguy hiểm thì UBND các quận kiên quyết thu hồi. Nhóm 3: Có 18 trường hợp có thể chỉnh trang, sửa chữa lại được thì UBND các quận đề xuất và hướng dẫn người dân chỉnh trang theo đúng quy chuẩn, đảm bảo số tầng... để có thể ổn định được.
Thứ 3 là 56 trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng từ năm 2014-2016 xuất hiện ở khu vực vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5… Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đến nay đã hết thời gian gia hạn nên sắp tới sẽ có phương án kiên quyết thu hồi và không để phát sinh thêm.
"Chúng tôi khẳng định 132 trường hợp tồn tại lâu năm và 56 trường hợp (phát sinh từ 2014-2016) các Sở ngành cùng với các quận huyện đã công phu xây dựng các phương án để kiên quyết thực hiện", ông Lê Văn Dục nói.
Cụ thể, với 132 trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” tồn tại lâu năm, liên ngành Sở Xây dựng, Tài nguyên môi trường, Quy hoạch kiến trúc tham mưu trình UBND Thành phố phương án giải quyết từng trường hợp trong quý I/2018.