Sáng ngày 12/10, tại Cung Văn hoá lao động hữu nghị Việt Xô đã diễn ra phiên khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, bà Ngô Thị Thanh Hằng đã trình bày báo cáo điểm lại những thành tựu của giai đoạn 2016-2020, đề ra một số mục tiêu cụ thể trong 5 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.
Chỉ chiếm 1% dân số, Hà Nội đóng góp trên 16% GDP cả nước
Cụ thể, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá trong 5 năm giai đoạn 2016-2020, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng cả nước. Bình quân tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong giai đoạn ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (6,93%).
Bên cạnh đó, quy mô GRDP trong năm 2020 ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng (tương đương 45 tỷ USD), GRDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 125 triệu đồng (khoảng 5.420 USD), gấp 1,8 lần bình quân cả nước, tăng 1,5 lần so với năm 2015.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng
Phấn đấu GRDP/người đạt trên 36.000 USD vào năm 2045
Báo cáo chính trị trình Đại hội đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045. Cụ thể, đến năm 2025, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "xanh - thông minh - hiện đại"; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Thêm vào đó, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 7,5-8%/năm. Đến năm 2025, cơ cấu kinh tế theo hướng nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4-1,6%; theo hướng công nghiệp và xây dựng chiếm 22,5-23%; dịch vụ chiếm 65-65,5%.
Báo cáo chính trị cũng đề ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt 60-62% vào năm 2025; tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đạt 100%; tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch là 100%.
Cuối cùng, điểm đặc biệt trong báo cáo chính trị lần này đó là Hà Nội không đặt mục tiêu cạnh tranh với các tỉnh, thành phố trong nước, mà mục tiêu là vươn ra bên ngoài, cạnh tranh với các thành phố trên thế giới.