Báo cáo tại hội nghị trực tuyến giao ban thường kỳ tháng 1/2021 của UBND TP Hà Nội diễn ra chiều ngày 4/2 mới đây, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn, cho biết, trong tháng 1/2021, một số chỉ số phát triển kinh tế trên địa bàn Hà Nội đã tăng trưởng khá. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng 1/2021 ước đạt 1.339 triệu USD, tăng 2,5% so tháng trước và tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2020, phần lớn các ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng 1/2021 ước đạt 1.339 triệu USD, tăng 2,5% so tháng trước và tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước (ảnh minh họa)
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 1 năm 2021 ước tính đạt 284,25 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so tháng trước và tăng 13,2% so cùng kỳ năm 2020. Tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng ước đạt 12.019 tỷ đồng, tăng 5,8% so tháng trước và tăng 12,9% so cùng kỳ năm 2020. TP cũng chuẩn bị tích cực các kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Trong tháng 1, khách quốc tế đến lưu trú tại Hà Nội ước đạt 26 nghìn lượt khách, tăng 3,9% so với tháng trước và bằng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020. Khách nội địa ước đạt 39 nghìn lượt khách, tăng 1,6% so với tháng trước và bằng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, khách trong ngày đạt 22 nghìn lượt khách, tăng 1,8% và bằng 5,2.
Theo ông Vũ Duy Tuấn, trong tháng 1, TP có 6 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 1,8 triệu USD, trong đó 5 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 1 dự án liên doanh, liên kết. Điều chỉnh tăng vốn 2 dự án với số vốn bổ sung đạt 0,3 triệu USD. Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 12,9 triệu USD. Kết quả thu hút FDI có sự sụt giảm so với cùng kỳ do vướng mắc chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2020. Về thu hút đầu tư trong nước, đã thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư 6 dự án với tổng số vốn là 1.219 tỷ đồng.
Theo Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 5/2/2021 về đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn TP Hà Nội năm 2021, TP phấn đấu mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 trên địa bàn TP tăng 5% so với thực hiện năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 16.780 triệu USD.
UBND TP Hà Nội cho hay, nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của TP, các chương trình xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường được triển khai trong những năm gần đây sẽ phát huy tác dụng mạnh mẽ trong những năm tới. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ASEAN, Hàn Quốc và các thị trường tiềm năng như Nam Phi, Nga… khiến sức mua tại các thị trường này giảm sút.
Để hoàn thành mục tiêu này, UBND TP triển khai 7 giải pháp. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan trung ương trên địa bàn.
Cùng với đó, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất. Tiếp tục thực hiện kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh xuất khẩu. Nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, trong đó tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tỉnh, TP cả nước, hạn chế các hoạt động đơn lẻ nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lặp và lãng phí nguồn lực.
UBND TP cũng giao nhiệm vụ cho từng, sở, ban, ngành tập trung: Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất; xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; công tác cải cách hành chính; tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp tập trung, cơ sở hạ tầng logistics, hệ thống dịch vụ, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu; đổi mới, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư…