“Thời gian tới, Sở TT&TT sẽ siết chặt quản lý, ứng dụng công nghệ tự động nhận diện các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội hoạt động không đúng giấy phép được cấp, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm”, ông Liêm nhấn mạnh.
Ông Liêm cho rằng, các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội cần rà soát lại thông tin của mình, bám sát giấy phép được cấp và các quy định về hoạt động, khẩn trương khắc phục những lỗi đã được cơ quan quản lý nhà nước chỉ ra để tránh mắc sai phạm.
Trao đổi với ICTnews ngày 9/4, đại diện Phòng Thông tin điện tử, Sở TT&TT Hà Nội cho biết, chủ trương ứng dụng công nghệ tự động nhận diện các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội hoạt động không đúng giấy phép được cấp sẽ được đơn vị triển khai sớm nhất có thể.
Theo thống kê, tính đến hết tháng 3/2021, Hà Nội có 443 doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, với 658 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp do Sở TT&TT Hà Nội cấp. Bộ TT&TT đã cấp 487 giấy phép thiết lập mạng xã hội của 349 doanh nghiệp có trụ sở chính trên địa bàn thành phố.
Báo cáo của Sở TT&TT Hà Nội cho hay, những năm qua, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Sở TT&TT đã đẩy mạnh công tác quản lý, rà soát, hậu kiểm, phối hợp xử lý vi phạm đối với các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội. Trên cơ sở đó, Sở đã xử phạt vi phạm hành chính 49 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền gần 700 triệu đồng.
Những lỗi vi phạm chủ yếu là không ghi đầy đủ thông tin trên trang chủ; không thực hiện đăng tải thông tin theo quy định, không ghi rõ nguồn tin, chưa đặt link nguồn tin cuối mỗi bài viết trên trang thông tin điện tử tổng hợp; đăng bài viết từ nguồn các cơ quan báo chí chưa được chấp thuận bằng văn bản hoặc đăng thông tin từ các nguồn tin không chính thức (trang thông tin điện tử tổng hợp).
Cùng với đó, các trang thông tin điện tử và mạng xã hội còn mắc những lỗi vi phạm chủ yếu khác gồm: cung cấp thông tin trên trang thông tin tổng hợp ngoài phạm vi tổng hợp thông tin được cấp phép; cho đăng tải ý kiến nhận xét, bình luận của độc giả về nội dung tin bài được trích dẫn; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ việc đăng ký, lưu trữ thông tin cá nhân của các thành viên; vi phạm về hoạt động quảng cáo thông qua mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới...
Riêng về kết quả 2 năm thực hiện Kế hoạch 174, Sở TT&TT Hà Nội cho biết, cơ quan này đã phối hợp với các trang thông tin điện tử, mạng xã hội có lượng truy cập cao để lan tỏa 12.500 lượt bài viết về tình hình dịch Covid-19, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của Hà Nội; thiết lập tài khoản Sở TT&TT trên Zalo và mạng xã hội Lotus để lan tỏa 330 bản tin hằng ngày...