Hòa trộn giữa yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống với phong cách kiến trúc hiện đại, cầu Tứ Liên sau khi hoàn thiện sẽ là một biểu tượng mới, hứa hẹn trở thành điểm du lịch mới của thủ đô.
Động lực tăng trưởng từ những cây cầu
Ngoài những biểu tượng kiến trúc đã quá nổi tiếng, gắn liền với nét văn hóa kinh kỳ và sự thanh lịch của đất Tràng An như Tháp Rùa, Hồ Gươm, Chùa Một Cột,… Hà Nội ngày nay đang vươn mình phát triển để hội nhập sâu rộng với thế giới, phấn đấu trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả khu vực. Song hành với sự phát triển đó, nhu cầu về những biểu tượng kiến trúc mới là rất cần thiết để định hình với bạn bè cả nước và quốc tế về một thủ đô hiện đại, năng động và văn minh.
Để làm được điều này, không gì phù hợp hơn là thủ đô cần phải hình thành những công trình hạ tầng, giao thông mang dấu ấn của thời đại, có kiến trúc độc đáo, áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhất, vừa có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa là hình ảnh đại diện của Hà Nội trong mắt bạn bè năm châu.
Cầu Banpo bắc ngang sông Hàn tại Seoul (Hàn Quốc) cùng hệ thống phun nước trở thành điểm du lịch nổi tiếng. |
Trên thế giới, các cây cầu bắc ngang qua con sông, eo biển lớn luôn được coi là những công trình kiến trúc tiêu biểu, thậm chí trở thành biểu tượng của nhiều thành phố. Có thể kể đến như cầu Banpo bắc ngang sông Hàn tại Seoul (Hàn Quốc), nơi có đài phun nước cầu vồng xuất hiện trong nhiều bộ phim nổi tiếng, hay cầu Cổng Vàng (San Francisco, Mỹ), cầu Akashi-Kaikyo (Nhật Bản)… với thiết kế ấn tượng đã trở thành biểu tượng của những thành phố hiện đại, tại những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Còn ở Việt Nam, những cây cầu mới xây dựng gần đây cũng trở thành biểu tượng của sự phát triển kinh tế các thành phố lớn như cầu Bãi Cháy tại Hạ Long, cầu Dã Viên tại Huế, cầu Cần Thơ... Đặc biệt, Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố của những cây cầu bắc qua sông Hàn như cầu Thuận Phước, cầu quay sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý…
Những cây cầu tại Đà Nẵng tạo động lực cho thành phố này tăng trưởng về kinh tế, du lịch. |
Còn nhớ, cầu Nhật Tân - cầu dây văng đầu tiên của Hà Nội sau khi khánh thành tháng 1/2015 đã nhanh chóng trở thành điểm “check in” thú vị của rất nhiều người dân thủ đô và du khách. Công trình được trang bị hệ thống chiếu sáng hiện đại, đã tạo nên một điểm nhấn kiến trúc độc đáo trên tuyến đường cửa ngõ đón du khách từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố. Và tới đây, cầu Tứ Liên - cây cầu dây văng thứ 2 bắc qua sông Hồng dự kiến sẽ tạo nên biểu tượng mới của Hà Nội hiện đại trong thế kỷ 21 này.
Biểu tượng mới của một Hà Nội năng động
Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã có Quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Tứ Liên do Tập đoàn Sun Group và Công ty TNHH quốc tế T.Y.Lin Việt Nam nghiên cứu. Theo đó, cầu Tứ Liên được thiết kế là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, 2 hệ cột trụ được tạo dựng như hình ảnh của 4 con rồng đang từ mặt nước bay vút lên trời cao, kết hợp với hệ thống dây văng như những tia nước bám trên thân rồng đang bắn tung ra. Ý tưởng này gắn chặt với tên gọi Thăng Long - Hà Nội, với ý nghĩa mảnh đất rồng bay lên.
Ở một góc nhìn khác, 2 trụ cầu chính của cầu Tứ Liên hiện lên mềm mại như 2 chú chim bồ câu nhỏ đang chao liệng trên dòng sông Hồng vốn gắn liền với lịch sự thủ đô. Dù ở góc nhìn nào, cầu Tứ Liên cũng hiện lên đầy kiêu hãnh, tại vị trí cửa ngõ quan trọng kết nối sân bay Nội Bài về trung tâm Ba Đình - trái tim của cả nước.
Cầu Tứ Liên có kiến trúc độc đáo nối trung tâm Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài |
Phạm vi nghiên cứu dự án có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao QL5 kéo dài, có tổng chiều dài theo tuyến thẳng khoảng 4,84 km. 5 nút giao trên tuyến gồm: Nút giao Nghi Tàm; nút giao Hữu Hồng; nút giao kết nối bãi giữa; nút giao Tả Hồng; nút giao Quốc lộ 5 kéo dài.
Trong số các dự án sẽ được xây mới trong khu vực quy hoạch đô thị trung tâm, cầu Tứ Liên được coi là một điểm nhấn trọng yếu, vượt sông Hồng kết nối quận Tây Hồ với quận Long Biên và huyện Đông Anh. Sau khi xây dựng và đi vào hoạt động, đây sẽ là cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng, vừa thuận tiện cho giao thông, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, vừa trở thành một biểu tượng mới của thủ đô năng động, hội nhập.
Hiện, Hà Nội đang có chủ trương phát triển rộng sang 2 bên bờ sông Hồng. Trong tương lai, thành phố sẽ xây dựng thêm nhiều cầu vượt qua sông Hồng để đáp ứng lưu lượng giao thông ngày càng tăng. Với định hướng này, cầu Tứ Liên sẽ nằm ở vị trí trung tâm đô thị Hà Nội mở rộng, kết nối bờ Đông với bờ Tây sông Hồng, mở ra những cơ hội giao thương kinh tế lớn.
Doãn Phong