Ngày càng nhiều người sẵn sàng trả hàng triệu đồng để những chú chó cưng được dạy dỗ bài bản. Nhu cầu này đã đem lại công việc ổn định với mức thu nhập khá cho người làm nghề huấn luyện chó.
Thu nhập khá từ việc "làm bạn" với chó
Chia sẻ của người làm nghề huấn luyện chó
Chia sẻ với PV, anh Hạ Đạt Hảo - người có 25 năm huấn luyện chó ở Gia Lâm (Hà Nội) - kể: "Nhu cầu huấn luyện chó ngày càng lớn trong những năm trở lại đây, phát triển song song với xu hướng chơi thú cưng của nhiều người trong xã hội".
Anh Hạ Đạt Hảo đến với nghề qua một lần tình cờ theo học một lớp huấn luyện chó của những người đi trước. Sau nhiều năm gắn bó với công việc huấn luyện chó, người đàn ông 46 tuổi này có mức thu nhập ổn định từ 20-30 triệu đồng/tháng.
"Mỗi một chú chó được gửi huấn luyện trong thời gian kéo dài 3-5 tháng, với giá mỗi khóa học dao động từ 9-15 triệu đồng tùy theo giống chó và yêu cầu của chủ chó" - anh Hạ Đạt Hảo chia sẻ.
Theo anh Hạ Đạt Hảo, yếu tố hàng đầu của người làm nghề này là phải có tình yêu với loài chó.
Cũng có 10 năm kinh nghiệm trong nghề huấn luyện chó, anh Lò Văn Luyến quê ở Chiềng Cơi (Sơn La), chia sẻ: "Tôi từng đi bộ đội, khi ấy ở đơn vị có mấy chú chó nghiệp vụ nhìn mê lắm. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi tìm xuống Hà Nội để theo học nghề huấn luyện chó và ở lại làm việc cho một trại huấn luyện tại Gia Lâm".
Anh Hạ Đạt Hảo đã có hơn 25 năm làm nghề huấn luyện chó. |
Trung bình, anh Lò Văn Luyến phụ trách huấn luyện 10-15 chú chó cùng một đợt. Đều đặn hàng ngày, anh có mặt ở trại huấn luyện từ 5h để cho chó ăn và bắt đầu những bài tập lúc 6h. Trung bình mỗi tháng, anh có thu nhập từ 15-20 triệu đồng từ công việc này.
Mỗi ngày, anh dành 14 giờ đồng hồ ở trại chó. Ngoài thời gian luyện tập, những người làm nghề như anh dành không ít thời gian gần gũi, làm thân và quan sát để hiểu được tính cách từng con chó được huấn luyện.
Anh Lò Văn Luyến có thu nhập từ 15-20 triệu/tháng từ nghề huấn luyện chó. |
Không nhớ bao nhiêu lần bị... chó cắn
Theo anh Lò Văn Luyến, người làm nghề này quan trọng phải kiên nhẫn, dũng cảm và hiểu được tâm tính của từng giống chó. Trước hết, người huấn luyện phải tạo được mối quan hệ thân thiết với từng chú chó, kết hợp với việc thưởng - phạt phân minh.
Anh tâm sự: "Huấn luyện chó rất khó vì tôi không phải chủ nó. Có những chú chó bị ảnh hưởng tâm lý do bị nhốt quá nhiều hay chủ bạo hành cứ nhìn thấy người là lao ra cắn hoặc lẩn trốn".
Khi gặp những con chó có tâm lý không ổn định, anh Lò Văn Luyến thường dành cả tháng để cho chó ăn, tiếp cận tạo cảm giác thân mật và an toàn mới có thể dạy dỗ được.
Anh Hảo cho xem vết sẹo do chó cắn. |
Hơn 25 năm làm nghề, anh Hạ Đạt Hảo không ít lần gặp tình huống dở khóc, dở cười. Thường xuyên bị chó cắn, anh không còn nhớ đã bao nhiêu lần bị chảy máu bởi những cặp răng nanh nhọn hoắt.
Anh Hạ Đạt Hảo nhớ lại: "Cách đây khoảng 10 năm, tôi nhận huấn luyện 1 con chó thuộc giống Rottweiler nặng khoảng 45kg. Chủ vừa ra khỏi trại, tôi liền bị nó cắn ngang cánh tay. Giằng co 10 phút, tay tôi mới thoát khỏi hàm răng sắc nhọn".
Theo kinh nghiệm của các chuyên gia huấn luyện, mỗi giống chó có một kiểu tấn công con người khác nhau: Có giống chó chuyên tấn công vào những chỗ yếu điểm như cổ hay mặt người, giống chó khác lại cắn vào chân tay. Không ít đồng nghiệp của anh bị tấn công nặng thì phải nằm viện cả tháng hay gãy tay, rách thịt, nhẹ thì bầm dập vì chó cắn.
Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm các bệnh nguy hiểm do chó cắn, ngay sau khi nhận chó để huấn luyện, người làm nghề sẽ tiêm cho chúng một mũi thuốc phòng.
Những giống chó to với bản tính hung dữ có thể gây nguy hiểm cho người làm nghề bất cứ lúc nào. |
"Chó được đưa đến đây huấn luyện thường là loại khó bảo và hung dữ, được chủ quá cưng chiều nên khi áp dụng kỷ luật rất khó. Mặt khác, sau khi huấn luyện, việc chuyển giao khẩu lệnh cho khách hàng còn gặp nhiều khó khăn" - anh Hạ Đạt Hảo tiếp lời.
Vừa mới bước chân vào nghề huấn luyện chó được hơn 1 năm, anh Bùi Hòa Bình, quê ở Yên Khánh (Ninh Bình), chia sẻ: "Huấn luyện là tạo phản xạ có điều kiện vì vậy phải có sự nhất quán. Vậy nên, ngày nào tôi cũng phải đưa chó ra sân tập, bất kể nắng, mưa hay ngày lễ, tết".
Theo anh Bùi Hoàng Bình, nhiều con chó được nhập từ nước ngoài về với giá tới cả trăm triệu đồng, cũng có con giá trị thấp nhưng tình cảm chủ dành cho nó lại rất nhiều.
Khi khách hàng gửi chó cho người huấn luyện, không chỉ gửi tài sản mà gửi gắm cả tình cảm nên việc dạy dỗ phải thật có tâm và cẩn thận.
Để có thể huấn luyện, những người làm nghề phải kết thân và tạo sự tin tưởng cho chó. |
Đối với những người mới vào nghề như anh, việc huấn luyện chó canh gác và bảo vệ trở thành nỗi ám ảnh. Vì những loại chó làm nhiệm vụ này đều thuộc loại to với những cú cắn chí mạng.
"Để huấn luyện chó bảo vệ, người thầy cần mặc những bộ đồ bảo hộ sau đó để chó tấn công. Những người có nhu cầu huấn luyện chó dạng này ít và chi phí huấn luyện những chú chó bảo vệ và canh gác cũng khá cao" - anh Bùi Hoàng Bình chia sẻ.
Anh Bùi Hoàng Bình dành thời gian tiếp cận với một con chó đang trong thời gian điều trị bệnh. |
Anh Luyến dành 14h mỗi ngày để quan sát và huấn luyện chó. |
(Theo Dân Trí)