Thành phố thông minh có nghĩa là thành phố sáng tạo, sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động của dịch vụ đô thị. Đây là mục tiêu được rất nhiều nước đặt ra, trong bối cảnh tốc độ đô thị hoá gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là tại châu Á.
Việt Nam cũng không ngoại lệ, ông Geert Bourgeois, Bộ trưởng, Thủ hiến Chính phủ vùng Flanders cho biết tại Hội thảo.
Bày tỏ sự thán phục trước sự phát triển vượt bậc về kinh tế, tốc độ đô thị hoá nhanh chóng cũng như thành tựu kinh ngạc mà Việt Nam đạt được, tuy nhiên, ông Bourgeois cũng cho rằng các đô thị Việt Nam đang phải đối diện với những áp lực lớn. Đó là nhu cầu tăng mạnh về nước, năng lượng, các tiện ích, bên cạnh đó là áp lực về giao thông, môi trường cũng như hạ tầng.
Do đó, ông cho tằng các chính quyền đô thị cần có những kế hoạch phát triển dài hơi, mang tính thông minh và hiệu quả hơn. Vai trò của người dân được vị Thủ hiến Bỉ đặc biệt nhấn mạnh. Theo đó, người dân được xem là trung tâm, coi trọng quyền lợi và lợi ích con người.
Ông Bourgeois kỳ vọng vùng Flanders nói riêng và Vương quốc Bỉ nói chung có thể thiết lập mối quan hệ hợp tác để cùng phát triển trong lĩnh vực đô thị hoá.
Đại diện phía UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch TP Ngô Văn Quý cho biết nhận định của ông Bourgeois là đúng với bối cảnh của Hà Nội. Quá trình đô thị hoá Thủ đô đang gặp rất nhiều thách thức về phân bố dân cư, ùn tắc giao thông, nhóm giáo dục, y tế và môi trường cũng đang gặp nhiều vấn đề.
Ông Quý cho hay bên cạnh việc mở rộng đô thị và phát triển kinh tế, việc ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghệ thông tin là giải pháp mà Hà Nội đang thực hiện nhằm xây dựng thành phố thông minh, quy hoạch bền vững.
Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 theo ông Quý là Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại trên nền tảng phát triển bền vững.
Bước đầu, Phó Chủ tịch TP cho biết Hà Nội đã triển khai chính quyền điện tử, giao thông, y tế, môi trường. Đến nay, các thành phần cơ bản của chính quyền điện tử đã hoàn thành. Về giáo dục, y tế, giao thông cũng đã có nhiều thành tựu như việc áp dụng tuyển sinh trực tuyến, sổ khám bệnh điện tử hay 500 camera trên các tuyến phố trọng điểm…
Trong năm 2018, ông Quý cho biết thành phố tiếp tục đẩy mạnh các mục tiêu như xây dựng trung tâm giám sát điều hành tập trung thành phố, hoàn thiện chính quyền điện tử, xây dựng hệ thống an toàn an ninh phân tích dữ liệu, xây dựng nền tảng y tế, phát triển hệ thống giao thông thông minh. Ngoài ra ông Quý còn nói đến các khái niệm như du lịch thông minh, năng lượng thông minh… Đây là các yếu tố để hiện đại hoá thành phố trong tương lai.
Phó Chủ tịch TP nhấn mạnh đây là quá trình cần sự tham gia của toàn bộ chính quyền, doanh nghiệp và người dân cũng như sự hợp tác quốc tế. Theo đó, ông rất hoan nghênh các đóng góp kinh nghiệm mà các nước dành cho Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.