Chỉ số quản trị môi trường trong Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công cấp tỉnh năm 2020 (PAPI 2020) phản ánh ý kiến đánh giá của người dân về chất lượng không khí và chất lượng nguồn nước sinh hoạt nơi cư trú, cũng như sự nghiêm túc của chính quyền và doanh nghiệp đầu tư ở địa phương trong bảo vệ môi trường. Những chỉ tiêu đánh giá này giúp các cấp chính quyền hiểu rõ hơn mối quan ngại về vấn đề môi trường của người dân qua thời gian.
Đồng Tháp là tỉnh duy nhất trên toàn quốc đạt mức điểm 5,2 trên thang đo từ 1 đến 10 điểm ở chỉ số nội dung này.
Những ‘vùng trũng’ nơi người dân quan ngại về hiện trạng môi trường là Đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ, nơi có nhiều khu công nghiệp tập trung. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng (bốn trong năm thành phố trực thuộc Trung ương quản lý) rơi vào nhóm 16 tỉnh đạt điểm thấp nhất.
Các tỉnh phát triển công nghiệp, gồm Bình Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Lâm Đồng cũng nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất.
11 tỉnh/thành phố cải thiện đáng kể ở Chỉ số nội dung ‘Quản trị môi trường’ so với năm 2019. Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Hòa Bình và Hà Nam tăng ít nhất 10% điểm so với năm 2019. Ngược lại, điểm của 16 tỉnh/thành phố giảm đáng kể. Các tỉnh Bạc Liêu, Bắc Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Bến Tre có mức sụt giảm nhiều nhất (giảm đến 10% điểm so với điểm của năm 2019).
Ở nội dung thành phần ‘Chất lượng không khí’, Quảng Ninh, Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn và Thanh Hóa đạt điểm cao nhất. Hưng Yên, Hà Nam, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Hà Nội và Phú Thọ đạt điểm thấp nhất ở nội dung thành phần ‘Chất lượng không khí’.
Ở nội dung thành phần ‘Nghiêm túc trong bảo vệ môi trường’, Đồng Tháp đạt điểm cao nhất toàn quốc (1,32 điểm), song vẫn cách rất xa mức điểm tối đa (3,33 điểm). Bắc Giang, Lâm Đồng và Hải Phòng chỉ đạt 0,78-0,8 điểm ở nội dung thành phần này.
Chỉ số PAPI là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011.
Trong suốt 12 năm qua, 146.233 lượt người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI.