Mới đây, ý tưởng chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu theo nguồn vốn xã hội hóa được Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề xuất thực hiện trên diện tích khoảng 42.000m2, chiều dài khoảng 1,2km từ ngã tư Lò Đúc - Trần Khát Chân đến cầu Mai Động, trong tương lai sẽ hoàn thành toàn tuyến 3km nối với trạm bơm Yên Sở. Ý tưởng nhận được nhiều kỳ vọng tích cực sau khi hình thành toàn tuyến, dự án sẽ cải tạo triệt để môi trường cảnh quan, ô nhiễm mùi và không khí cho sông Kim Ngưu.
Ý tưởng cải tạo môi trường sông Kim Ngưu nhận được nhiều ủng hộ.
|
Theo phương án, việc cải tạo môi trường sông Kim Ngưu theo hướng tách toàn bộ hệ thống thu nước thải sinh hoạt từ các hộ dân vào đường ống thoát nước thải riêng biệt. Mặt nước chính của dòng sông phục vụ thoát nước mưa, tạo cảnh quan môi trường đô thị kết hợp chức năng thương mại dịch vụ phát huy yếu tố công cộng.
Việc chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu là vấn đề nóng được chính quyền và nhiều nhà khoa học quan tâm. Đề xuất ý tưởng trên nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, đây là dự án có ý tưởng tốt, cần được lãnh đạo TP quan tâm, tạo cơ chế về nguồn tài chính để Nhà đầu tư tiếp tục thực hiện. Sau khi đã có thiết kế tốt cần triển lãm lấy ý kiến của các nhà chuyên môn và cộng đồng trước khi TP phê duyệt thực thi.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, vài chục năm qua, hệ thống sông đã trở thành những cống lộ thiên chứa nước thải, nước bẩn sinh hoạt và sản xuất-kinh doanh gây ô nhiễm nặng nề, làm xấu, nhếch nhác cảnh quan đô thị cho dù TP đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để cải tạo, chỉnh trang, nhưng những cố gắng đó đã không mang lại hiệu quả tích. Sông Kim Ngưu là ví dụ điển hình.
Vì thế Dự án cải tạo chỉnh trang nói trên dù chỉ là ý tưởng cũng rất đáng được quan tâm và khích lệ. Việc cải tạo chỉnh trang 1,2 km đoạn sông từ ngã tư Lò Đúc - Trần Khát Chân-Minh Khai nếu được thực hiện sẽ tạo ra một cảnh quan đô thị tốt, làm sống lại một đoạn sông Kim Ngưu hiện đã chết để trở thành dòng sông-cảnh quan trong một khu vực đô thị, góp phần tích cực vào hệ thống tiêu thoát nước của Thủ đô và về lâu dài sẽ tạo hiệu ứng nâng cao giá trị bất động sản, dịch vụ và du lịch của khu vực sông Kim Ngưu.
Nhất trí với cách đặt vấn đề của nhà đầu tư là cải tạo sông Kim Ngưu thành sông hai lớp, có chức năng tiêu thoát i nước thải, nước bẩn đã qua xử lý, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường nước bằng hệ cống ngầm kín bằng bê tông; Tạo dòng sông cảnh quan bằng việc sử dùng nước mặt lấy từ sông Hồng. Hai bên xây dưng bờ sông cảnh quan kết hợp thảm cỏ, cây xanh, đường dạo và một số công trình kiến trúc nhỏ phục vụ thương mại-dịch vụ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ý tưởng cần hướng tới đến không gian sinh hoạt công cộng. |
Tuy nhiên, KTS Phạm Thanh Tùng băn khoăn: “Nếu theo dự án thì kiến trúc trên 2 bờ sông quá dày đặc và cao 3 tầng là rất không phù hợp, dễ tạo ra những bức tường kiến trúc gây bức bối và làm hỏng cảnh quan như mong muốn của dự án.
Ông Tùng đề xuất: “Hai bên bờ sông cần tạo những điểm dừng kiểu tầng bậc để người dân dễ dàng tiếp cận mặt nước để ngồi nghỉ ngơi thư giãn, ngắm cảnh. Có thể xây một vài công trình thương mại dịch vụ cao 2 tầng, trong đó tầng 1 để trống, không che chắn để tầm nhìn không bị che khuất”.
Vị trí bố trí gara ô tô cao tầng cũng cần hợp lý có khoảng cách mỗi gara cách nhau 500 ở hai phía bờ sông. Vị trí ngã tư Lò Đúc-Trần Khát Chân khi đặt công trình có khối tích lớn phải rất thận trọng.
KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh, phải có thiết kế đô thị không chỉ 2 bờ sông Kim Ngưu mà cả tuyến phố Kim Ngưu (Đông và Tây) để tạo nên khu vực kiến trúc –cảnh quan đẹp, thân thiện và bền vững.
Đưa ra ý kiến về thiết kế đô thị (thiết kế cảnh quan) đoạn sông Kim Ngưu, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu: cần khảo sát và đánh giá kỹ hơn hiện trạng cảnh quan ở cả hai mặt: vật thể và phi vật thể và nhu cầu của cộng đồng dân cư địa phương để việc đề xuất những giải pháp có tính thuyết phục và khả thi hơn. Cụ thể, về giá trị cảnh quan: đánh giá việc thêm bao nhiêu chức năng thương mại, dịch vụ là đủ, trong khi đáng ra phải cần không gian sinh hoạt cộng đồng - không gian mở nhiều hơn?
Theo GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, thiết kế đô thị, dòng sông là trục cảnh quan-không gian mở là quan trọng nhất. Vì thế hướng về dòng sông là nguyên tắc bắt buộc nên giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan hướng về dòng sông phải là quan trọng nhất. Nếu cần bổ sung khối kiến trúc, thì lựa chọn khối tích nhỏ (như một thành phần cảnh quan) và theo hướng liên kết ngang là hợp lý hơn kiểu liên kết dọc tạo thành đường phố như Dự án nêu. “Tôi không đồng tình với việc đặt vào công trình tòa nhà 3, 4 tầng để làm dịch vụ. Nếu buộc phải có thì nhất thiết cần đánh giá mức độ”, ông Thông nói.
“Đặc biệt chú ý kiến trúc các cầu đi bộ ngang qua dòng sông phải được thiết kế như là những điểm nhấn của không gian cảnh quan của dòng sông. Vì vậy các cây cầu nhất định phải là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo”, ông Thông nêu.
Theo Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam TS Phạm Sỹ Liêm, vì đây mới chỉ là các ý tưởng nên báo cáo chỉ đưa ra nhận định, dự báo mà ít diễn giải, chứng minh, chưa cho thấy được tầm cỡ của dự án về mặt tài chính. “Chẳng hạn tại sao bố trí nhà để xe cao tầng hai bên bờ lấn ra mặt sông, thế thì đứng đầu sông làm sao còn thấy được mặt sông ở hạ lưu”, ông Liêm nói.
Trước đây, Hà Nội từng kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa dự án cải tạo các cống thoát nước thải như: mương Nghĩa Đô, Phan Kế Bính. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động TP phải ra Quyết định thu hồi do doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích./.
Theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013, xác định:
Sông Kim Ngưu là tuyến sông hở thoát nước chính của Tiểu lưu vực sông Kim Ngưu với diện tích khoảng 1.773ha về trạm bơm đầu mối Yên Sở.
Hệ thống cống thu gom nước thải dọc hai bên bờ sông Kim Ngưu (thuộc lưu vực S1) gồm các tuyến cống có đường kính D1250 đến D1800 về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000m3/ngđ.
Tuyến cống thu gom nước thải dọc hai bên bờ sông Kim Ngưu: Công ty Cổ phần ĐTTM -XD Phú Điền đã đề xuất Dự án hệ thống cống bao cải thiện môi trường sông Kim Ngưu, sông Sét và thu gom nước thải cho Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở đồng thời bổ cập nước thải sau xử lý cho sông Kim Ngưu.
Hiện tại sông Kim Ngưu đã được kè cứng hóa hai bên bờ (thuộc Dự án thoát nước thành phố Hà Nội giai đoạn I); Mặt cắt mương hiện trạng có Bmặt » 30m; Bđáy » 8m; điểm đầu: cống Lò Đúc; điểm cuối: kênh bao hồ điều hòa Yên Sở./.