UBND TP Hà Nội vừa giao Công ty CP Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Không chỉ là giao thông
Dự án cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại ngã năm Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm), điểm cuối giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thụy, quận Long Biên). Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 5,5 km, mặt cắt cầu bảo đảm 6 làn xe cơ giới. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 8.900 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước 50%, vốn nhà đầu tư BOT 50%. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 20 năm, tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022-2025.
Hội đồng Tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đã đánh giá, xếp hạng từng phương án do Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đề xuất và 13/15 thành viên hội đồng lựa chọn phương án "xứ Đông Dương" - cầu dầm hộp bê-tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp kiểu cổ điển.
Cầu Vĩnh Tuy 2 đang được TP Hà Nội tập trung đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2023
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã lên tiếng bày tỏ không đồng tình với phương án và tên gọi "xứ Đông Dương". Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng cầu Trần Hưng Đạo là cây cầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với TP Hà Nội, việc quy hoạch cây cầu này đã được đặt ra từ rất lâu. Mỗi cây cầu vượt qua sông Hồng trong lịch sử phát triển của TP Hà Nội đều mang dấu ấn một thời kỳ nhất định, trở thành yếu tố quan trọng trong tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan ven sông, nét văn hóa chứ không đơn thuần chỉ có chức năng giao thông.
"Hiện TP Hà Nội chưa chốt phương án xây cầu Trần Hưng Đạo nên còn thời gian để trưng cầu ý kiến người dân, bởi người dân là đối tượng thụ hưởng lợi ích từ cây cầu. Kinh nghiệm là dù có nhiều phương án trong những cuộc thi được chấm điểm cao nhất nhưng có thể không phải là lựa chọn cuối cùng, vấn đề này phải công khai để người dân cho ý kiến, người dân đồng tình thì mới hợp tình hợp lý. Ngoài ra, người ta gọi là "phong cách Đông Dương" chứ gọi "xứ Đông Dương" là không đúng" - ông Nghiêm nói.
Đồng bộ hạ tầng giao thông
Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết thành phố vừa giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành, các ban quản lý dự án tập trung đẩy nhanh việc đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch.
Theo đó, các ngành tập trung đẩy nhanh đầu tư kết nối, khép kín các tuyến vành đai; trong đó tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện tuyến đường vành đai 3, 5 và 4; các trục hướng tâm, trục chính đô thị chủ yếu, các tuyến có tính liên vùng; hệ thống các cầu qua sông; các nút giao thông trọng điểm; các công trình giao thông phục vụ đề án xây dựng các huyện thành quận; các công trình cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông và bảo đảm an toàn giao thông (cầu yếu, cầu đi bộ...). Việc này nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông là khâu đột phá và đi trước một bước để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội nói riêng và vùng thủ đô nói chung.
Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội phối hợp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch, sớm đưa vào vận hành, khai thác 2 tuyến đường sắt đô thị gồm: Tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông, tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội. Sở hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến ga Hà Nội - Hoàng Mai, Văn Cao - Hòa Lạc; hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến Ngọc Hồi - Thăng Long - Nội Bài, Nam Thăng Long - Nội Bài…
Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thành phố sẽ đẩy nhanh phát triển mạng lưới giao thông tĩnh gồm bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận, các đầu mối giao thông công cộng... theo quy hoạch. "Thành phố tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai xây dựng hệ thống "giao thông thông minh" trong tổng thể xây dựng thành phố thông minh, áp dụng công nghệ, kỹ thuật trong tổ chức, điều hành giao thông; xây dựng hệ thống bản đồ số trong công tác tổ chức, điều hành giao thông, tích hợp về Trung tâm Điều hành giao thông thành phố để thường xuyên cập nhật, chủ động phân tích đưa ra những cảnh báo, phương án phân luồng giao thông hợp lý trên địa bàn thành phố" - ông Tuấn cho biết.
Chi hơn 83.000 tỉ đồng đầu tư 255 dự án giao thông
Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, cho biết để phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông và đầu tư, nâng tỉ lệ quỹ đất dành cho giao thông đô thị khoảng 12%-15% diện tích đất đô thị, Hà Nội dự tính cân đối bố trí vốn 5 năm cho lĩnh vực giao thông hơn 83.337 tỉ đồng để thực hiện 255 dự án.
TP Hà Nội dành một khoản kinh phí cho 14 dự án lớn đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hằng năm theo tiến độ thực tế của dự án. Phương án phân bổ ưu tiên đầu tư theo đúng định hướng đầu tư ngành giao thông và mục tiêu phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như các đường vành đai 2, 3, 4...; các cầu lớn qua sông (cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát); các trục hướng tâm, liên kết vùng...