UBND TP Hà Nội chỉ đạo Công an TP xem xét truy tố trách nhiệm hình sự đối với các chủ đầu tư, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cố tình vi phạm các quy định về PCCC, chây ỳ không khắc phục các tồn tại, vi phạm PCCC.
Không cấp phép, duyệt dự án cho chủ đầu tư chưa khắp phục vi phạm PCCC
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản về việc tăng cường công tác PCCC&CNCH đối với nhà cao tầng trên địa bàn TP.
Theo UBND TP, hiện trên địa bàn TP còn nhiều tồn tại, vi phạm về PCCC phổ biến như việc đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC. Có thể kể đến như: chung cư CT1 Usilk City tại La Khê (Hà Đông) do Công ty CP Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư; tòa nhà SME Hoàng Gia tại phường Quang Trung (Hà Đông) do Công ty CP tập đoàn BĐS Hoàng Gia làm chủ đầu tư; tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh Nhân tại Phường Mộ Lao (Hà Đông) do Công ty CP xuất nhập khẩu Tây Đô làm chủ đầu tư; chung cư cao tầng và dịch vụ Phương Đông (Mỹ Sơn Tower), số 62 Nguyễn Huy Tưởng phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân) do Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu Mỹ Sơn làm chủ đầu tư;...)
UBND TP Hà Nội điểm mặt tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh Nhân tại Phường Mộ Lao (Hà Đông) vi phạm PCCC, đưa công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC |
Ngoài ra, còn có các vi phạm như việc không đảm bảo giao thông phục vụ chữa cháy; không đủ số lượng lối ra thoát nạn và không duy trì được các điều kiện an toàn về PCCC của lối ra thoát nạn; chưa trang bị đầy đủ hệ thống, phương tiện PCCC, không thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ...
Cùng với đó một bộ phận chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm người đứng đầu trong công tác PCCC theo quy định của pháp luật; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC của không ít bộ phận cư dân còn hạn chế...
“Do đó, loại hình nhà cao tầng luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, khi xảy ra cháy nổ có thể gây cháy to, cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội”, UBND TP Hà Nội cho biết.
Để khắc phục các tồn tại, vi phạm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC&CNCH đối với nhà cao tầng trên địa bàn, UBND TP Hà Nội chỉ đạo 18 sở, ban, ngành, đơn vị liên quan cùng “vào cuộc”.
Trong đó, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, vận hành đối với công trình nhà chung cư cao tầng trên địa bàn thành phố.
Phối hợp với Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội nghiên cứu các quy định của pháp luật về hoạt động cấp nước, tham mưu UBND TP ban hành văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục, điều kiện thực hiện “ngừng cấp nước” đối với các công trình vi phạm quy định về PCCC.
UBND TP giao Sở Công thương phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội nghiên cứu các quy định của pháp luật về hoạt động về điện lực, tham mưu UBND TP ban hành văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục, điều kiện thực hiện “ngừng cấp điện” đối với các công trình vi phạm quy định về PCCC.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND TP không cấp phép, phê duyệt dự án, giao đất… đối với những chủ đầu tư chưa khắp phục vi phạm PCCC (Ảnh: Chung cư CT1 Usilk City tại La Khê (Hà Đông) do Công ty CP Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư công trình vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC) |
Ngoài ra, UBND TP chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện có hiệu quả trong việc cấp phép, phê duyệt các dự án nhà cao tầng. Tham mưu UBND TP không cấp phép, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất đối với những chủ đầu tư có công trình vi phạm quy định về PCCC nhưng chưa tổ chức khắc phục.
Thanh tra TP phối hợp với Công an TP đề xuất UBND TP xây dựng kế hoạch, tiến hành thanh tra đối với chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý tòa nhà cao tầng có dấu hiệu sai phạm về PCCC, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư…
Xem xét truy tố hình sự chủ đầu tư cố tình vi phạm PCCC
UBND TP Hà Nội cũng giao Công an TP xây dựng, trình UBND TP ban hành kế hoạch khắc phục tồn tại vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng đối với các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn, trong đó có công trình cao tầng, chung cư cao tầng đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC.
Tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC&CNCH đối với các khu chung cư, nhà cao tầng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về PCCC đảm bảo theo đúng quy định.
Phối hợp với các đơn vị liên quan tố chức kiểm tra an toàn về PCCC trong quá trình thi công đối với các công trình nhà cao tầng theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, kịp thời phát hiện những tồn tại, vi phạm về PCCC và xây dựng để yêu cầu chủ đầu tư khắc phục ngay trong quá trình thi công.
Chung cư cao tầng và dịch vụ Phương Đông (Mỹ Sơn Tower) (Thanh Xuân) vi phạm PCCC, chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa công trình vào hoạt động |
Đặc biệt, phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các khiếu nại, tố cáo về PCCC&CNCH tại các khu chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn. Làm rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sai phạm trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình chung cư, nhà cao tầng theo quy định. Xem xét truy tố trách nhiệm hình sự đối với các chủ đầu tư, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cố tình vi phạm các quy định về PCCC, chây ỳ không khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC theo quy định…
Cùng với đó, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tổ chức kiểm tra, kiên quyết xử lý, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với những công trình, hạng mục công trình nhà cao tầng vi phạm nghiêm trọng hoặc không khắc phục các tồn tại về PCCC&CNCH đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Xử lý dứt điểm đối với các công trình cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng, kiên quyết không để phát sinh các công trình vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng.
“Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP trường hợp để phát sinh các công trình chung cư, nhà cao tầng vi phạm quy định PCCC trong đầu tư xây dựng” - UBND TP nêu rõ.
Thuận Phong