UBND TP Hà Nội vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét hỗ trợ thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư tuyến đường vành đai 4, vành đai 5 – Vùng Thủ đô qua địa phận Hà Nội.
Trong văn bản này, UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế, chinh sách có tính đặc thù riêng trong huy động vốn, kêu gọi đầu tư, thủ tục đầu tư để Bộ GTVT và UBND các tỉnh, TP có tuyến đường vành đai 4, vành đai 5 – Vùng Thủ đô đi qua tổ chức triển khai đầu tư.
Hà Nội cũng đề xuất Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu, thực hiện triển khai đầu tư toàn bộ tuyến đường vành đai 5 kết nối 8 tỉnh thành phố để đảm bảo tính kết nối đồng bộ trên toàn tuyến.
Theo UBND TP Hà Nội, tuyến đường vành đai 4 được địa phương xác định là một trong những công trình giao thông quan trọng, tập trung kêu gọi đầu tư.
Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, đường vành đai 4 Hà Nội có chiều dài toàn tuyến là 136,6 km.
Đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dài 13,9km, có tổng mức đầu tư 9.800 tỷ đồng của liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình giao thông Phương Thành và Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Nguyên Minh đề xuất theo hình thức BOT (bao gồm cả cầu Mễ Sở và hai đầu cầu). Hiện UBND TP Hà Nội đang xem xét kiến trúc cầu.Hiện Hà Nội đang tiến hành xem xét hồ sơ đề xuất 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP của một số nhà đầu tư trong nước (2 dự án BT và 1 dự án BOT) gồm: đoạn từ cao tốc Nội Bài – Lào Cai – Quốc lộ 32 – cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ dài 34 km, có tổng mức đầu tư 16.277 tỷ đồng do Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư theo hình thức BT.
Cầu Hồng Hà và đường dẫn dài 6 km, tổng mức đầu tư 9.876 tỷ đồng của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đề xuất. Cầu Hồng Hà có phía Bắc tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh; phía Nam cầu tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.
Đối với tuyến vành đai 5, Hà Nội cho biết, tính đến tháng 5/2020, trên tuyến mới chỉ đầu tư đưa vào khai thác cầu Vĩnh Thịnh vượt sông Hồng có tổng mức đầu tư 170 triệu USD do Bộ GTVT thực hiện, các đoạn còn lại chưa có nghiên cứu dự án.
Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, đường vành đai 4 Hà Nội là có chiều dài toàn tuyến là 136,6 km; đi qua 16 quận, huyện, thị xã, thành phố gồm: Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín, Sóc Sơn (Hà Nội), Văn Giang, Yên Mỹ, Văn Lâm (Hưng Yên), Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành (Bắc Ninh); Việt Yên và Hiệp Hòa (Bắc Giang). Đường vành đai 4 sẽ vượt các sông Hồng, sông Đuống và sông Cầu. Đường Vành đai 5 quy hoạch đi qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện, thành phố trực thuộc 8 tỉnh, thành: Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.
Trong đó, đoạn qua TP Hà Nội dài khoảng 48 km; qua tỉnh Hòa Bình 35,4 km; qua tỉnh Hà Nam 35,3 km; qua tỉnh Thái Bình 28,5 km; qua tỉnh Hải Dương 52,7 km; qua tỉnh Bắc Giang 51,3 km; qua tỉnh Thái Nguyên 28,9 km, qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc 51,5 km.
Tổng chiều dài toàn tuyến đường Vành đai 5 khoảng 331,5 km (không bao gồm khoảng 41 km đi trùng các đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3).