"Siêu" đô thị chứa 60 vạn dân
UBND TP Hà Nội vừa gửi tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch chung "siêu" đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000.
Theo tờ trình, quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc nằm về phía Tây và cách đô thị trung tâm của Thủ đô Hà Nội khoảng 30km (dự kiến thuộc địa giới hành chính các huyện Quốc Oai, huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây), phía bắc giáp trục Hồ Tây- Ba Vì, phía Đông giáp đê hữu sông Tích, phía Tây và Nam giáp ranh giới tỉnh Hòa Bình.
Quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 17.274ha. Trong đó, vùng nội thị khoảng 7.450ha (chiếm 43,1%), chỉ tiêu đất dân dụng khoảng 88,7m2/người và vùng vành đai khoảng 9.824 ha (chiếm 56,9%).
Quy mô dân số dự kiến đô thị Hòa Lạc đến năm 2025 khoảng 150.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 97.000 người, dân số ngoại thị khoảng 53.000 người, tỷ lệ dân số đô thị khoảng 64%. Đến năm 2030 và những năm tiếp theo, dân số tối đa “siêu” đô thị Hòa Lạc khoảng 600.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 510.000 người, dân số ngoại thị khoảng 90.000 người, tỷ lệ dân số đô thị khoảng 85%.
Tờ trình nêu rõ, đô thị Hòa Lạc là đô thị vệ tinh lớn nhất trong số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, có vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội. Các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng một phần dựa trên sự phát triển của của khu công nghệ cao Hòa Lạc và khu Đại học quốc gia Hà Nội. Đây là hai yếu tố quyết định cho sự hình thành và phát triển của đô thị Hòa Lạc trong tương lai.
Cũng theo tờ trình, trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc có tổng số 75 dự án đầu tư xây dựng do tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Tây (cũ) trước đây phê duyệt như: Khu vực Đại học quốc gia Hà Nội; Khu vực khu công nghệ cao; Khu vực đô thị; Khu đô thị Đông Xuân - Tiến Xuân; Khu vực đô thị Phú Cát - Hòa Thạch; Khu vực nông.
Đáng chú ý, trong khu vực còn có vùng vành đai xanh - khu vực sân bay Hòa Lạc có diện tích khoảng 1.270ha. Sân bay Hòa Lạc trước mắt tiếp tục sử dụng cho mục đích quốc phòng, tương lai cần có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và giải pháp sử dụng phù hợp để có thể phục vụ cho cả mục đích dân sự, đáp ứng nhu cầu của đô thị.
Hà Nội "xin" thêm thời gian quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc.
"Xin" thêm thời gian quy hoạch
Trong tờ trình gửi Thủ tướng, Hà Nội cũng kiến nghị về thời gian thực hiện quy hoạch chung "siêu" đô thị Hòa Lạc. Hà Nội cho biết theo Luật quy hoạch đô thị, thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã từ 20 đến 25 năm.
Nhiệm vụ quy hoạch đô thị Hòa Lạc được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 4/2015, đồ án được triển khai đến năm 2016. Sau khi đồ án được Thủ tướng phê duyệt sẽ triển khai tiếp quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.
Như vậy, tới năm 2030 chưa đủ thời gian để hình thành đô thị vệ tinh có quy mô lớn như đô thị Hòa Lạc. Đồng thời để xác định quy mô dân số, lao động, quy mô đất xây dựng đô thị, các chỉ tiêu đất đai, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho đô thị với các yêu cầu phát triển của giai đoạn 10 năm, 20-25 năm là chưa phù hợp.
Hà Nội cho rằng đồ án đề xuất giai đoạn phát triển đợt đầu đến năm 2025 (theo lộ trình giai đoạn 10 năm) và giai đoạn dài hạn là đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét chuyển đổi 3 khu vực đất do Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng bao gồm: khu vực ngã tư Hòa Lạc (giao cắt giữa Đại lộ Thăng Long và Quốc lộ 21); khu vực Thạch Hòa (phía nam sân bay Hòa Lạc, giáp Tỉnh lộ 84 hiện có); khu vực Phú Mãn (phía tây Quốc lộ 21). Hà Nội cũng đề xuất hạn chế chuyển đổi chức năng đối với các dự án quốc phòng đang thi công xây dựng công trình; rà soát các chức năng đất trên cơ sở phù hợp với quy hoạch lâu dài.
Cuối năm 2017, HĐND thành phố Hà Nội thông qua quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030 quy mô khoảng 60 vạn dân. Trao đổi với Tiền Phong trước đó, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho hay, về quy trình, sau khi HĐND thành phố thông qua, quy hoạch sẽ qua sự thẩm định của Bộ Xây dựng và cuối cùng là Thủ tướng duyệt. Sau đó sẽ có quy định về quản lý và điều lệ quản lý cụ thể. Cũng theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, nếu không sớm ban hành các chính sách thu hút đầu tư cụ thể thì rất khó để có đô thị vệ tinh thực sự theo kế hoạch.