Sáng 22/1, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với Quận ủy Long Biên về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam cho biết, từ khi thành lập đến nay, quận Long Biên duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 15-21%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế có sự thay đổi mạnh mẽ. Năm 2004, tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ chiếm 34,4%, công nghiệp - xây dựng 62,38%, nông nghiệp 3,22%.
Đến nay, tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ chiếm 73,39%, công nghiệp - xây dựng chiếm 26,5%, nông nghiệp giảm còn 0,11%. Số doanh nghiệp trên địa bàn gấp 13 lần so với ngày đầu thành lập; thu ngân sách gấp 46,6 lần (năm 2004 thu ngân sách đạt 237,4 tỷ đồng; đến năm 2020 đạt 11.072 tỷ đồng).
Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, có thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, quận đã hoàn thành toàn diện 16/16 chỉ tiêu pháp lệnh. Đặc biệt, 9/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được hoàn thành vượt so với kế hoạch như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (329%), chỉ tiêu giảm hộ nghèo (195%), thu ngân sách (107%).
Bí thư quận Long Biên kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch phân khu N10 để sớm giải quyết được các bất cập và tiếp tục phát triển đô thị quận Long Biên đảm bảo theo định hướng quy hoạch chung thủ đô. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (R1-5), sông Đuống (R6) để khai thác hiệu quả quỹ đất vùng bãi.
Theo ông Nam, quận Long Biên có vị trí địa lý quan trọng phía Đông Bắc Thủ đô, tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên trên địa bàn chưa có điểm vui chơi, giải trí phục vụ cộng đồng dân cư trong khu vực và vùng lân cận. Do đó, quận đề nghị thành phố cho thực hiện xây dựng công viên chuyên đề tại ô QH C.6/CXTP với diện tích 42,37ha bằng nguồn vốn ngân sách của quận.
Ông Nam cũng kiến nghị thành phố giao cho quận được thực hiện một số dự án đầu tư hạ tầng thoát nước, giao thông, hệ thống các trường học trên địa bàn. Theo ông Nam, hiện trạng thoát nước trên địa bàn quận Long Biên đang có nhiều bất cập khi mưa lớn, hệ thống tiêu thoát không đáp ứng dẫn đến úng ngập cục bộ và úng ngập diện rộng trên địa bàn; quận đề nghị được làm chủ đầu tư thực hiện 3 Dự án (gồm: Xây dựng tuyến mương Long Biên - Cự Khối; Xây dựng tuyến mương Việt Hưng - Cầu Bây và hồ điều hòa Cự Khối; Xây dựng trạm bơm Cự Khối và tuyến mương xả ngoài đê Tả Hồng) với kinh phí khoảng 1.550 tỷ đồng.
Ngoài ra, quận Long Biên cũng đề nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số dự án trên địa bàn. Đáng chú ý có dự án cầu Trần Hưng Đạo nhằm giảm tải, chống ùn tắc cho cầu Chương Dương và cầu Vĩnh Tuy; Dự án cầu Giang Biên nhằm hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2, nối từ phố Chu Huy Mân qua sông Đuống sang địa phận xã Dương Hà - Gia Lâm...
Giải đáp một số kiến nghị, Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, quy hoạch sông Đuống đã được gửi lên UBND thành phố. Quy hoạch sông Hồng cũng đã được ký đồ án sơ bộ, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để gửi lên UBND thành phố xem xét, ký gửi xin ý kiến Bộ NN&PTNT. Sau đó, Ban cán sự Đảng UBND thành phố phối hợp với các Ban cán sự các Bộ có liên quan để xem xét, cho ý kiến, nếu cần thiết sẽ điều chỉnh…
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong đồng tình với các kiến nghị của quận về giải quyết vấn đề xử lý thoát nước trên địa bàn. Theo ông Phong, quận Long Biên được bao bọc bởi sông Hồng, sông Đuống, việc thoát nước hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống cống tự chảy qua sông Cầu Bây, cống Xuân Quan về hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Ông Phong cho rằng, theo quy hoạch trên địa bàn quận có 3 nhà máy xử lý nước thải. Sở đồng ý với quận về việc thực hiện ngay một số dự án thoát nước động lực trên địa bàn. Thành phố đã giao Ban QLDA cấp thoát nước và môi trường thành phố chuẩn bị 2 dự án trên địa bàn. Một là dự án cải thiện xử lý nước thải Long Biên và Gia Lâm, nguồn vốn đầu tư công khoảng 7.600 tỷ đồng. Hai là dự án trạm bơm Thượng Thanh và hồ điều hòa Thượng Thanh cùng với hệ thống kênh dẫn khoảng 775 tỷ đồng. “Thành phố đã giao nhiệm vụ, Ban QLDA đã đưa vào các công trình đầu tư công trung hạn 2021 – 2025”, ông Phong nói.