Năm 2019, chị L.T (Hà Nội) mua một căn biệt thự rộng hơn 300m2 tại khu đô thị Sài Đồng (Long Biên) với giá 21 tỷ đồng. Chủ nhà của căn biệt thự là đôi vợ chồng hơn 40 tuổi. Họ dự tính bán căn biệt thự để chuyển sang mua căn chung cao cấp và dành khoản tiền đầu tư cho con đi du học. So với mặt bằng thị trường, chị L.T cho biết, mức giá chị mua “mềm” hơn.
Đến năm 2020, cơn sốt giá biệt thự bắt đầu bùng nổ tại Hà Nội. Năm 2021, chị L.T cho biết, nhiều môi giới liên hệ và sẵn sàng trả gia đình 35 tỷ đồng. Ở thời điểm “đỉnh” của cơn sốt giá biệt thự, căn biệt thự của gia đình chị L.T được định giá lên tới 38 tỷ đồng.
Từ năm 2022, chị L.T cho thuê căn biệt thự. Đến đầu năm 2023, vợ chồng chị dự tính bán căn biệt thự để đầu tư vào khu nghỉ dưỡng trên Hoà Bình. Tuy nhiên, sau khi khảo sát về mức giá trên thị trường thông qua sàn môi giới, chị L.T biết được, hiện tại, giá của căn biệt thự chỉ khoảng 30-32 tỷ đồng, giảm từ 6-8 tỷ đồng so thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022. Trước đó, một căn biệt thự tại khu vực này cũng được chào bán và chốt với mức giá giảm tới 20%.
Khảo sát thực tế cho thấy, giá biệt thự tại nhiều khu vực đều có tín hiệu giảm. Đơn cử như tại Vinhomes Riverside Long Biên, một căn biệt thự song lập diện tích gần 400m2, năm 2016 được giao dịch với giá hơn 30 tỷ đồng. Đến năm 2018, giá căn biệt thự này được rao bán với mức giá 70 tỷ đồng. Chỉ 3 năm sau, giá biệt thự này lên tới 150 tỷ đồng. Nhưng đến hiện tại, chủ nhân của căn biệt thự này tiết lộ, giá biệt thự hạ khoảng 10 tỷ đồng. Thực tế, nếu so thời điểm sốt giá, biệt thự chỉ giảm khoản 10%.
Giá biệt thự tại Hà Nội đang chững lại. (Ảnh: Hải Nam)
Tương tự, giá biệt thự tại Nam An Khánh cũng ghi nhận hiện tượng giảm mạnh. Giai đoạn sốt giá, thời điểm cuối năm 2021- đầu năm 2022, giá biệt thự ghi nhận ở mức 150-180 triệu đồng/m2. Ngay sau Tết Nguyên đán 2022, giá biệt thự hạ trung bình 2-3 tỷ đồng. Đến tháng 2/2023, mức giá giảm từ đến 5-6 tỷ đồng/căn.
Anh P.T (Giám đốc công ty chuyên phân phối nhà đất ) cũng kể lại, trước đó, anh từng nhận được yêu cầu bán gấp căn biệt thự tại Thanh Xuân, Hà Nội. Vì chủ nhà cần xoay tiền gấp nên cắt lỗ tới 13 tỷ đồng. Giá mặt bằng thị trường là 60 tỷ. Anh P.T cũng cho biết đây là khu vực giá biệt thự chỉ tăng, hoặc chững, rất khó giảm vì nằm trong trung tâm Hà Nội. “Do cắt lỗ sâu nên có khách đến cọc tiền chỉ trong một ngày, không cần xem nội thất bởi họ biết rõ khu vực này, các căn biệt thự đều bố trí giống nhau, chỉ khác về nội thất”, anh P.T nói thêm. “Biệt thự ở Hà Nội có mức giá cao nên chỉ cần giảm 5-10%, số tiền lên tới cả chục tỷ đồng”.
Theo môi giới tên Nguyễn Hoà, làn sóng cắt lỗ biệt thự chỉ xảy ra với nhóm khách hàng đang cần tiền gấp nên buộc phải xuống giá. Nhưng nhìn chung, giá biệt thự ở Hà Nội trên thị trường thứ cấp đều giảm nhẹ. Mặt khác, do mức giá cao nên tính thanh khoản trên thị trường thứ cấp không quá lớn. Song, với người có nhu cầu ở thực, họ sẵn sàng bỏ hàng chục tỷ đồng để mua biệt thự.
Anh Hoà cung cấp thêm thông tin, biệt thự tại khu đô thị Sudico Nam An Khánh có mức giảm chung từ 5 -10%. Tại khu biệt thự Spendora An Khánh, cách đây 1 tháng, chủ nhà gửi bán căn biệt thự với mức giá giảm từ 29 tỷ còn 21 tỷ, tương đương với mức giá 8 tỷ. Tuy nhiên, theo môi giới này, giá biệt thự tại một số khu vực như Geleximco An Khánh, Bảo Sơn, Vinhomes Green Bay, Viglacera Đại Mỗ, chỉ chững hoặc giảm nhẹ.