Phát triển hạ tầng giao thông là then chốt
Trong lộ trình hiện thực hóa mục tiêu đưa Gia Lai trở thành trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên, là đầu mối hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, phát triển hạ tầng giao thông được lãnh đạo tỉnh xác định là yếu tố then chốt.
Đến nay, Gia Lai sở hữu hệ thống giao thông tương đối đa dạng, bao gồm cả đường bộ và đường hàng không. Bên cạnh các tuyến tỉnh lộ, đường đô thị, liên thôn, liên xã khá đồng bộ, hệ thống 6 tuyến quốc lộ hiện đại với tổng chiều dài 722 km đã giúp Gia Lai kết nối thông suốt với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và nước láng giềng Campuchia...
Đáng chú ý, tuyến quốc lộ 19 và đường Hồ Chí Minh chạy xuyên tâm và giao nhau tại Tp. Pleiku, tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku - cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh cũng mang đến cho địa phương những ưu thế lớn về hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế, du lịch.
Hiện nay, cảng hàng không Pleiku – Gia Lai cũng đã được Cục Hàng không Việt Nam đề xuất điều chỉnh quy hoạch mở rộng nhà ga, nâng công suất của cảng đến năm 2030 đạt 4 triệu khách/năm, đồng thời tăng cường thêm các chuyến bay nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng của người dân và du khách.
Nhằm mục tiêu phát triển hệ thống giao thông hoàn chỉnh trên toàn tỉnh, Gia Lai đã phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới GTVT đến năm 2020 với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 24.223 tỷ đồng.
Song song với đó, Gia Lai cũng đang nỗ lực đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị, quy hoạch xây dựng các khu dân cư, đô thị mới… hướng tới đưa TP Pleiku đạt đủ tiêu chí đô thị loại I vào năm 2020.
Hạ tầng ngày một hoàn thiện đã mang đến cho Gia Lai diện mạo mới khang trang, hiện đại, không chỉ thúc đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa mà còn mở rộng liên kết vùng, tăng cường sức hút đưa Gia lai trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
"Điểm hẹn" mới của các nhà đầu tư bất động sản
Năm 2018, Gia Lai đã để lại nhiều dấu ấn trong hoạt động xúc tiến đầu tư, với 58 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong số đó, 42 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động với nguồn vốn thực hiện 5.095 tỷ đồng. Điều này cho thấy tiềm năng cũng như cơ chế thu hút đầu tư năng động, sáng tạo của tỉnh, tạo niềm tin lớn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Mới đây, trong khuôn khổ sự kiện Trình diễn, kết nối cung – cầu công nghệ 2019 (Techdemo 2019), Gia Lai tiếp tục trao chứng nhận đầu tư cũng như biên bản ghi nhớ đầu tư cho 11 dự án với tổng kinh phí lên tới 20.000 tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án quy mô thuộc lĩnh vực công nghệ, đô thị, du lịch sinh thái.
Tính đến thời điểm hiện tại, hàng loạt tên tuổi uy tín trong lĩnh vực bất động sản đã đổ về Gia Lai cùng những dự án quy mô. Một số dự án điển hình có thể kể đến như Khu đô thị TTTM Hội Phú, Khu dân cư Phượng Hoàng, Khu dân cư Sh-Land…
Nổi bật trong đó, Tập đoàn FLC cũng đã đặt chân đến Gia Lai với kế hoạch phát triển chuỗi dự án đô thị, quần thể nghỉ dưỡng cao cấp, với kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới, tác động tích cực đến sự trỗi dậy của thị trường bất động sản địa phương.
Theo thông tin ban đầu từ chủ đầu tư, các dự án sở hữu vị trí đắc địa tại thành phố Pleiku, huyện Đắk Đoa, Chư Prông… và được quy hoạch bài bản trên quy mô lớn nhằm tạo thành hệ sinh thái đồng bộ, giúp khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có của tỉnh. Nhờ đó chuỗi dự án được kì vọng có thể đáp ứng đồng thời nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của cư dân, du khách khi đến với Gia Lai.
Những tín hiệu tích cực kể trên cho thấy Gia Lai đang là điểm hẹn mới đầy hấp dẫn đối với giới đầu tư. Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư sành sỏi, thị trường bất động sản Gia Lai vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá, hứa hẹn sẽ có nhiều cơ hội sinh lời cao trong tương lai.