Tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông khu vực phía Tây Tp.HCM
Trong số các khu vực thuộc phía Tây Tp.HCM, Long An đang được giới chuyên gia đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn. Theo quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, Long An sẽ trở thành vùng kinh tế động lực hàng đầu, trong đó Cần Giuộc, Bến Lức trở thành khu đô thị loại 3 trong tổ hợp phát triển này. Đây được xem là cơ hội cho giới đầu tư BĐS vào đón đầu.
Xác định hệ thống giao thông có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian gần đây, tỉnh Long An tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông với một loạt dự án có vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng.
Phải kể đến như, mới đây, Sở Giao thông Vận tải Long An đã phê duyệt đầu tư tuyến đường ĐT 827E kết nối với Tp.HCM và tỉnh Tiền Giang với vốn đầu tư gần 20.000 tỉ đồng. Đường ĐT 827E có chiều dài hơn 35 km, điểm đầu tại ranh giới tỉnh Long An – Tp.HCM thuộc địa phận xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc và điểm cuối tại ranh giới tỉnh Long An – Tiền Giang, thuộc địa phận xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tuyến đường này được thiết kế gồm 6 làn đường với vận tốc 60 km/h. Cũng trên tuyến đường này, tỉnh Long An sẽ đầu tư xây dựng 3 cây cầu bắc qua các sông lớn gồm: sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây, với tổng nguồn vốn dự kiến gần 2.300 tỷ đồng.
Loạt hạ tầng giao thông lớn đang được đầu tư tại Long An đã thúc đẩy thị trường BĐS phát triển theo
Theo Sở Giao thông Vận tải Long An, việc đầu tư tuyến đường này nhằm mục tiêu hình thành một tuyến đường xuyên suốt từ Tp.HCM qua Long An đến Tiền Giang; tăng cường kết nối giao thông giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với Tp.HCM và các cửa ngõ quốc tế, giảm bớt áp lực giao thông trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 50.
Công trình này sau khi hoàn thành sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông cho các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc cũng như của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Đồng thời, đây cũng là công trình được kỳ vọng không chỉ cho Long An mà còn cho cả khu vực Tây Nam bộ trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có thị trường BĐS.
Bên cạnh đó, chủ trương mở rộng tuyến đường QL1A đi qua địa phận TP.Tân An, sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, tạo thuận lợi kết nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ vào Tp.HCM.
Hay tuyến metro 3A với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng giúp kết nối 8 quận huyện cũng sẽ một bước ngoặt lớn đối với khu Tây Sài Gòn. Sau khi hoàn thành, tuyến metro 3A sẽ kết nối trực tiếp với metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tạo thành một hành lang vận chuyển hành khách công cộng hiện đại, xuyên tâm, kết nối khu vực Đông Bắc và Tây Nam của thành phố, rút ngắn khoảng cách di chuyển từ Tp.HCM ra Long An.
Cùng với đó, Long An cũng thừa hưởng giá trị của các dự án hạ tầng lớn kết nối với lõi đô thị Tp.HCM. Có thể kể đến như dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo thành đường 6 làn xe thông với Khu Công nghiệp Long Hậu, tuyến Metro số 4 nối quận 12, Tân Bình, Phú Nhuận, quận 1, quận 4, quận 7 và Khu Đô thị cảng Hiệp Phước. Thêm vào đó, tuyến đường Lê Văn Lương sẽ được mở rộng 30m trong thời gian sắp tới để nối quận 7 và Cần Giuộc - Long An, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 22, nâng cấp và mở rộng Tỉnh lộ 824, Tỉnh lộ 9... đi qua các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc… đang được xem là những "cú hích" hạ tầng đột phá cho thị trường Long An.
Ngoài ra, loạt thông tin hạ tầng như cảng quốc tế Long An vừa khánh thành – đây là Cảng quốc tế thuộc nhóm số 5 trong quy hoạch phát triển Cảng biển Việt Nam, được xây dựng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho riêng tỉnh Long An mà cả vùng ĐBSCL. Hay, tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đi qua các tỉnh Long An, Tp.HCM và tỉnh Đồng Nai với tổng chiều dài lên tới 57,8km là một trong những dự án trọng điểm quốc gia dự kiến sẽ được hoàn thành và cho thông xe vào cuối năm 2020, sẽ góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội khu Tây Sài Gòn, trong đó thị trường BĐS được hưởng lợi ăn theo.
Mới đây, sau buổi khảo sát và làm việc giữa Tp.HCM và Long An, đại diện Sở GTVT Long An đã đưa ra tổng 23 vị trí cần thực hiện kết nối giữa 2 tỉnh. Trong đó, ưu tiên đầu tư cấp bách bảy vị trí trong giai đoạn 2021-2025. Một số dự án chiếm tỉ lệ vốn rất lớn trong kế hoạch này. Điển hình, dự án Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn) - ĐT824 (huyện Đức Hòa) có tổng vốn đầu tư khoảng 2.800 tỉ đồng, dự án quốc lộ 50 qua Bình Chánh - Cần Giuộc có tổng vốn gần 1.500 tỉ đồng, dự án đường Long Hậu (huyện Nhà Bè) - ĐT826E (huyện Cần Giuộc) với 5.100 tỉ đồng, đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) - ĐT826C (huyện Cần Giuộc) với 1.000 tỉ đồng. Hai địa phương cũng thống nhất đầu tư xây dựng tuyến đường song song quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) - đường trục động lực (huyện Cần Giuộc), tổng chiều dài hơn 8,6 km, kinh phí 4.300 tỉ đồng. Sau khi bảy dự án trên hoàn thành, hai địa phương sẽ tiếp tục lên kế hoạch nâng cấp 16 điểm kết nối khác.
Lực đẩy phát triển đô thị, bất động sản
Không thể phủ nhận, sức nóng đầu tư hạ tầng khiến thị trường BĐS Long An ngày càng sôi động, hấp dẫn. Sau thời gian im ắng, nơi đây đang nhận được sự quan tâm trở lại của giới đầu tư địa ốc, cũng xuất phát từ câu chuyện hạ tầng được đầu tư "mạnh tay".
Theo đại diện một doanh nghiệp địa ốc, BĐS Long An đang có sự chuyển mình và phân hóa mạnh mẽ. Các dự án được gắn kết với hạ tầng, tiến độ dự án, tạo nên sức hấp dẫn của sản phẩm. Khách hàng cũng khắt khe trong việc quyết định mua sản phẩm, nên chủ đầu tư cũng phải chau chuốt hơn. Các dự án có vị trí đẹp và không gian sống chất lượng, tiện ích toàn diện luôn trở thành tâm điểm của thị trường.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam cho hay, hiện nay nhu cầu thị trường BĐS tại Long An đang phát triển. Nếu trước đây, khu vực này chủ yếu phát triển đất nền lẻ thì hiện nay có đa dạng phân khúc từ đất nền, nhà phố đến shophouse đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng.
"Hiện nay, với số vốn khiêm tốn đi mua nhà phố ở khu vực Tp.HCM là thua, theo đó, Long An hay Đồng Nai là sự lựa chọn thích hợp. Nơi đây đang có tính kết nối rất tốt với Tp.HCM, đang là thị trường được nhiều NĐT tìm kiếm", ông Kiệt nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, thời gian gần đây, NĐT đã bắt đầu rục rịch quay trở lại tìm kiếm BĐS tại thị trường Long An
Tại hội thảo mới đây, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho rằng, nói về Long An thì, tôi sẽ tập trung vào hai khu vực là Bến Lức và Cần Giuộc – Cần Đước.
Cần Giuộc – Cần Đước trước đây đã sốt đất do nằm liền kề với cảng Hiệp Phước của Tp.HCM. Cảng này ban đầu được xác định sẽ xây dựng thành cảng biển nước sâu tuy nhiên sau đó kế hoạch này không đạt được khiến cho giá BĐS khu vực này có giảm đôi chút. Tuy nhiên, nếu làm tốt các đường sông kết nối với Tp.HCM thì cảng biển Hiệp Phước vẫn có thể đón được các tàu từ 5.000 – 10.000 tấn. Do đó, nếu mạng lưới kết nối đường sông này được phát triển tốt thì BĐS Cần Đước – Cần Giuộc vẫn rất tiềm năng.
"Trong tương lai gần, với sự kết nối của cao tốc Bến Lức – Long Thành, BĐS Long An sẽ tăng trưởng rõ nét, đầu tư BĐS kh vực này là lựa chọn tốt của NĐT trong thời gian tới", ông Hiển nhấn mạnh.
Dành lời khuyên cho NĐT khi chọn đầu tư tại thị trường BĐS vệ tinh Tp.HCM, ông Võ Hồng Thắng, Trưởng bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, NĐT nên xác định đầu tư BĐS ở thời điểm này là khoản đầu tư dài hạn, ít nhất phải 3 năm. Khi đầu tư, NĐT cần chọn khu vực có tính đô thị hóa cao, dân cư tập trung sinh sống cao, đặc biệt hạ tầng giao thông được đầu tư triển khai rõ nét trong thời gian tới. Khi chọn dự án/sản phẩm cần kiểm tra kỹ pháp lý, tiềm năng vị trí dự án, uy tín của CĐT, sau là xét đến phương thức thanh toán, chương trình hậu mãi của CĐT.