Ông Đỗ Viết Chiến cho biết: Hà Nội không phải chỉ có 1 tuyến Lê Văn Lương ùn tắc như vậy mà ùn tắc ở nhiều nơi. Điều đó cho thấy sự quá tải về hạ tầng của đô thị. Thủ đô được mở rộng địa giới với mục tiêu là giảm tải cho đô thị trung tâm, trong đó có vấn đề giao thông. Tuy nhiên, ngay cả khi Hà Nội đã trở thành một trong những Thủ đô rộng lớn thì ùn tắc và quá tải vẫn xảy ra ngày càng nghiêm trọng!
Nhà cao tầng “siêu mỏng” ở đầu đường Lê Văn Lương.
Chúng ta đã lựa chọn mạng lưới giao thông hình tia, kiểu mạng nhện gồm các trục hướng tâm và các tuyến vành đai. Đường vành đai 3 hiện nay cũng đã quá tải cho nên cần làm gấp đường vành đai 4. Càng vào sâu trung tâm càng ùn tắc. Hà Nội phát triển theo kiểu như “vết dầu loang”, trước đây bố trí nhiều trường đại học, bệnh viện lớn, các cơ quan trung ương, trụ sở bộ, ngành ở gần trung tâm. Ngay khi mở rộng đô thị, người dân vẫn trong tình trạng ở một nơi, làm một nơi, dẫn đến tình trạng ùn tắc trên các trục đường.
Vì sao trong Quyết định 108 của Thủ tướng trước đây khi phê duyệt quy hoạch xây dựng Hà Nội chỉ giới hạn dân số nội đô 80 vạn người. Vì hạ tầng chỉ cho phép đến như vậy. Đất không nở ra mà dân số tăng thêm thì tất cả các chỉ tiêu đều bị phá vỡ.
Với tình trạng dân số bị tăng thêm rất lớn như hiện nay thì mọi giải pháp như xây thêm cầu vượt, làm hầm chui không giải quyết được tận gốc căn bệnh. Cả lõi đô thị Hà Nội đã bị quá tải nghiêm trọng. Quốc hội vừa rồi đã chất vấn nội dung này. Phải di dời các trường đại học, bệnh viện…ra ngoài mới hy vọng giảm tải.
Khi chưa di dời được trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội đô, việc tiếp tục nâng tầng cao ốc, cấp phép điều chỉnh mật độ xây dựng có phù hợp không, thưa ông?
Hạ tầng quá tải mà cấp phép tăng thêm cao ốc đã làm cho tình trạng thêm nhức nhối. Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý và thực hiện quy hoạch. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã nêu rõ trên diễn đàn quốc hội về tình trạng tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch. Vậy cần làm rõ ra là tùy tiện đến đâu, trách nhiệm ra sao? Rõ ràng là nếu cấp phép xây dựng căn nhà thấp tầng thì hệ số sử dụng đất và nhu cầu về hạ tầng đi kèm cũng thấp và ngược lại. Nhu cầu hạ tầng của một căn nhà 5 tầng đương nhiên phải thấp hơn so với cao ốc 30-40 tầng!
Nguyên tắc trong quá trình điều chỉnh quy hoạch là phải đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục và phải phù hợp với điều kiện, chỉ tiêu hạ tầng. Chỉ khi nào cân đối được hạ tầng thì mới được phép điều chỉnh quy hoạch, mới được cấp phép nâng tầng! Nguyên tắc tối thượng khi cấp phép là như vậy. Hà Nội đã đề ra việc giãn dân từ nhiều năm trước thông qua phát triển đô thị vệ tinh nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực, vì thiếu chính sách đi kèm đủ sức hấp dẫn.
Về quản lý nhà nước, theo ông liệu có tình trạng “lách quy hoạch không”?
Thực sự Hà Nội chưa có quá nhiều nhà cao tầng nếu so với các đô thị phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, như tôi đã nói, cơ quan chức năng chỉ được phép tăng mật độ khi hạ tầng cho phép. Các nước xây nhiều nhà cao tầng vì họ có hạ tầng, giao thông công cộng rất phát triển. Thành phố Hà Nội khẳng định đã cấp phép đúng quy hoạch, mà quá tải, ùn tắc đến mức như vậy thì có thực sự đúng không?
Còn với câu hỏi liệu có tình trạng “lách quy hoạch” không, theo tôi ùn tắc và quá tải thì rõ rồi. Vậy phải có nguyên nhân, phải sai ở khâu nào đó chứ. Không thể có chuyện làm đúng cả mà vẫn xảy ra tình trạng như vậy.
Theo ông, giải pháp ưu tiên bây giờ là gì?
Bên cạnh kiểm soát cấp phép, điều chỉnh quy hoạch, theo tôi phải di dời nhà máy, bệnh viện, trường đại học, trụ sở bộ ngành ra khỏi nội đô. Bên cạnh đó, phải phát triển được đô thị vệ tinh, tạo được sức hút thực sự cho các đô thị này. Phải làm cho người dân thấy được là ở các quận, vùng ngoại thành sống dễ chịu hơn là vào khu lõi bên trong.
Cảm ơn ông!