Đoàn kết tạo nên sức mạnh
PV: 2022 là năm “bản lề”, kết quả kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh trong năm qua có những “điểm nhấn” nào thưa ông?
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải.
Ông Võ Trọng Hải: Năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và kế hoạch 5 năm 2021-2025; là năm tập trung triển khai các chủ trương, nghị quyết, chính sách giai đoạn 2021-2025 của Trung ương, của tỉnh trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh nhìn chung giữ xu hướng phục hồi và phát triển.
Các chương trình trọng điểm, đột phá chiến lược đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục được cụ thể hóa. Hà Tĩnh là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Bắc-Nam được tập trung chỉ đạo, bàn giao mặt bằng vượt khối lượng và tiến độ theo yêu cầu, được Trung ương đánh giá cao.
Thu hút đầu tư tiếp tục có những tín hiệu tích cực, kết nối, thu hút được những tập đoàn lớn, nhà đầu tư chiến lược (Vingroup, SunGroup, VSIP, TH...) vào khảo sát nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến; giáo dục đạt nhiều thành tích; an sinh xã hội đạt kết quả tốt. Tổ chức tốt các sự kiện chính trị, văn hóa lớn. Tỉnh có thêm di sản Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu được UNESCO vinh danh Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Kiểm soát tốt dịch Covid-19, qua đó tạo điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào.
Thưa ông, phải chăng sức mạnh nội sinh đã tạo đà để Hà Tĩnh vươn lên?
- Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức như vậy nhưng Hà Tĩnh vẫn đạt được nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội như tôi đã đề cập ở trên. Đạt được kết quả đó, theo tôi trước hết là nhờ tinh thần đoàn kết.
Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đồng sức, đồng lòng, tất cả vì mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hà Tĩnh thời gian này được phân công, phân nhiệm rõ ràng nên hiệu lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ khá cao. Mặt khác, Hà Tĩnh có bề dày truyền thống cách mạng - văn hóa, con người Hà Tĩnh luôn có ý chí, nghị lực vươn lên.
Trong chuyến công tác tại Hà Tĩnh vào giữa năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: Hà Tĩnh đi lên từ nội lực con người; con người Hà Tĩnh chịu khó vươn lên, thời kỳ nào cũng có người tài. Đây chính là nguồn tài sản lớn mà tỉnh phải khai thác, phát huy tối đa về năng lực, trí tuệ, đạo đức, phẩm chất để vươn lên xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Theo ông, năm 2023, Hà Tĩnh sẽ phải đối mặt với những khó khăn nào? Kế hoạch, định hướng của người đứng đầu UBND tỉnh Hà Tĩnh là gì để đưa địa phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa?
- Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi như tình hình kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội tiếp tục được triển khai hiệu quả thì nền kinh tế tỉnh nhà dự báo tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn thách thức.
Trên cơ sở dự báo bối cảnh tình hình, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã thống nhất, đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8%; thu nhập bình quân đầu người trên 47 triệu đồng; huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 45 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 19.000 tỷ đồng. Hoàn thành 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Kỳ Anh đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã Kỳ Anh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Giải quyết việc làm mới cho 22.500 người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 0,6-0,7%.
Để đạt các mục tiêu trên cần tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương; nâng cao năng lực chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.
Quy hoạch mở đường
Hà Tĩnh là tỉnh thứ 2 cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Như ông nhận định, quy hoạch tỉnh mở đường để Hà Tĩnh hiện thực hóa chiến lược phát triển. Ông có thể chia sẻ cụ thể về những chiến lược đó?
Năm 2022, Hà Tĩnh thành lập mới gần 1.400 doanh nghiệp, đạt cao nhất từ trước tới nay. Thu ngân sách trên 17.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Các chương trình, chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh được triển khai kịp thời.
- Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 8/11/2022.
Quy hoạch tỉnh đặt ra mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững. Đến năm 2050 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững.
Quy hoạch tỉnh xác định các định hướng lớn tạo đột phá phát triển bao gồm: Bốn ngành trọng điểm; Ba trung tâm đô thị; Ba hành lang kinh tế; Một trung tâm động lực tăng trưởng…
Theo ông, giải pháp căn cơ nào để Hà Tĩnh hiện thực hóa chiến lược phát triển như Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra?
- Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu là tỉnh đi đầu trong việc triển khai và thực hiện thành công quy hoạch, Hà Tĩnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Quy hoạch tỉnh qua nhiều hình thức để cán bộ, đảng viên, người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước được biết để tham gia thực hiện và giám sát quá trình tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch, trong đó phải thể hiện bằng các đề án, chương trình, giải pháp, nhiệm vụ, lộ trình cụ thể.
Thứ ba, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, không gian lãnh thổ vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm. Khẩn trương rà soát bãi bỏ, điều chỉnh, bổ sung, lập mới các quy hoạch ngành, lĩnh vực phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch quốc gia, đảm bảo thống nhất, đồng bộ. Bám sát thực tế, định hướng phát triển, tổ chức không gian phát triển phạm vi trong và ngoài tỉnh, nhất là sự gắn kết với các tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.
Thứ tư, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, triển khai các dự án trọng điểm và huy động tối đa các nguồn lực thực hiện quy hoạch. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo động lực thu hút đầu tư, giải phóng các nguồn lực.
Thứ năm, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống, văn hóa, con người Hà Tĩnh, đoàn kết, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng phát triển của tỉnh nhà.
Trân trọng cảm ơn ông!