Logistics đang dần trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của nhiều quốc gia. Đón xu thế này, Hà Tĩnh tập trung khai thác lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng để sớm trở thành trung tâm dịch vụ logistics khu vực và quốc tế.
Chìa khoá phát triển
Hà Tĩnh là một trong những địa phương hội tụ các điều kiện thuận lợi để phát triển hệ sinh thái logistics cả đường biển và đường bộ.
Đây là cửa ngõ xuất nhập khẩu của toàn bộ khu vực Bắc Trung Bộ, Bắc Bộ với thị trường Lào, Đông Bắc Thái Lan qua các cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Cha Lo bằng tuyến quốc lộ 8A và quốc lộ 1. Hà Tĩnh cũng là cửa ngõ ngắn nhất ra biển Đông giúp kết nối hàng hóa quá cảnh của hai thị trường này trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây đối với đường hàng hải quốc tế.
Tỉnh có lợi thế với Cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương (thuộc KKT Vũng Áng), là “đích ngắm” của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Với luồng hàng hải ngắn (cách phao số 0 khoảng 1,7 hải lý) và độ sâu tự nhiên từ -11m đến -22m, cụm cảng này có thể tiếp nhận tàu có trọng tải từ 5 - 30 vạn DWT, tàu container có sức chở đến 4.000 TEU.
Tại Hà Tĩnh, hệ thống hạ tầng giao thông cũng được đầu tư phát triển liên hoàn, thông suốt. TP. Hà Tĩnh cách sân bay Vinh 50km với chưa đầy 1 giờ chạy xe, cách sân bay Đồng Hới 141km với khoảng 2 giờ chạy xe. Đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa bàn Hà Tĩnh dài khoảng 71km với 8 ga; quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh là các tuyến dọc Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó tuyến đường cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng, đường sắt kết nối Viêng Chăn - Vũng Áng cũng đang được triển khai tích cực. Ngoài ra, để đón hàng hóa từ cảng biển Vũng Áng, Cửa Lò sang Lào và Thái Lan, Hà Tĩnh cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng 1 cảng cạn ICD tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Tĩnh đánh giá, cùng với đầu tư hạ tầng để phát huy tiềm năng lợi thế về giao thông đường bộ, đường biển... những năm qua, Hà Tĩnh tập trung đẩy mạnh thu hút, phát triển KTT Vũng Áng và các cụm công nghiệp, các vùng sản xuất tập trung. Đây là một trong những điều kiện cơ bản để thu hút, phát triển logitisc ở tỉnh.
Hà Tĩnh hiện có 2 khu kinh tế (KTT), 3 khu công nghiệp, 23 cụm công nghiệp. Trong đó, đáng chú ý, KKT Vũng Áng rộng hơn 22.700ha là một trong 8 KTT trọng điểm của quốc gia, với nhiều thế mạnh như trung tâm luyện gang thép lớn nhất Việt Nam, trung tâm năng lượng lớn và có nhiều lợi thế về hệ thống cảng biển nước sâu để phát triển dịch vụ logistics.
Với 84 doanh nghiệp trong nước đang hoạt động, 57 dự án đầu tư nước ngoài, KKT Vũng Áng được đánh giá là điểm đến hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư, là vùng kinh tế động lực của Bắc Trung Bộ và cả nước. Hằng năm KTT này đã đóng góp trên 56% tổng thu ngân sách tỉnh nhà, trên 95% số thu xuất nhập khẩu và chiếm 90% giá trị sản xuất công nghiệp trong tỉnh.
Đón đầu cơ hội
Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, để có cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng trung tâm logistics tại Vũng Áng, tháng 4/2021 Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng.
Theo đồ án, Trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng có quy mô hơn 133ha thuộc địa bàn xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh với 6 phân khu chức năng gồm: khu kho logistics, khu quản lý điều hành; dịch vụ tài chính ngân hàng và dịch vụ phụ trợ: khu nhà dịch vụ lưu trú cho chuyên gia, khách hàng và dịch vụ thiết yếu; đất giao thông, bãi đậu xe; khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật; cây xanh...
Trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng được quy hoạch là trung tâm logistics hạng I, phục vụ các hoạt động dịch vụ logistics trong tỉnh, khu vực và quốc tế. Đây cũng sẽ là điểm tập kết hàng từ các KKT, khu - cụm công nghiệp thuộc Hà Tĩnh và khu vực Bắc Quảng Bình để vận chuyển đến cảng Hải Phòng bằng đường biển; vận chuyển trực tiếp bằng đường biển đến các cảng trung chuyển lớn trong khu vực như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore; vận chuyển bằng đường bộ từ quốc lộ 8 và quốc lộ 12C đến Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Cảng Vũng Áng khi hoàn thành sẽ có 17 bến, trong đó 11 bến cảng tổng hợp, container, 6 bến chuyên dùng nhập than và xuất, nhập khẩu xăng dầu, cảng Sơn Dương xây dựng hoàn thiện có 51 bến chuyên dùng, trong đó 32 bến của Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa, 13 bến tổng hợp, 6 bến chuyên dụng.
Hà Tĩnh cũng đang tập trung huy động nguồn lực xây dựng phát triển cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương, đầu tư hạ tầng cảng Lào - Việt, Hoành Sơn, Vingroup.
Được biết, để thu hút, duy trì tuyến vận chuyển container qua cảng Vũng Áng, thời gian qua Hà Tĩnh đã ban hành chính sách hỗ trợ chủ tàu, chủ hàng container ra vào cảng.
Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động tại KKT Vũng Áng, tỉnh tập trung cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hải quan đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin; tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, hội nhập quốc tế.
Với hệ thống cảng biển có vị trí “vàng” trên hành lang hàng hải quốc tế, có điều kiện phát triển thành trung tâm logistics tầm cỡ, kỳ vọng rằng việc xây dựng trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng sẽ tạo ra khu trung chuyển hàng hóa logistics, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư tại KKT Vũng Áng, phát huy tiềm năng lợi thế của cảng biển nước sâu bậc nhất Đông Nam Á.
Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Hà Tĩnh vẫn có nhiều khởi sắc. Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng 2021 tăng 83% so với cùng kỳ năm 2020. Hà Tĩnh đứng thứ 10 cả nước về thu hút FDI và xếp Á quân khu vực miền Trung với 79 dự án với tổng vốn đầu tư 11,74 tỷ USD. |
M.M