Ghi nhận của chúng tôi, hiện trên các cánh đồng ở huyện Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà… dù thời đã lạnh nhưng nhiều người dân rủ nhau ra đồng tìm bắt ốc bươu vàng về bán.
Ông Lương Hữu Đức (60 tuổi, thôn Phú Thọ, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc) cho biết, khoảng hơn 1 tháng nay, hầu như ngày nào ông cũng ra đồng bắt ốc bươu vàng. “Mỗi ngày tôi bắt được khoảng 100 kg, bán giá 2.500 đồng/kg thì cũng kiếm được hơn 200.000 đồng. Vừa có tiền lại hạn chế được ốc phá hoại lúa cho vụ gieo cấy sắp tới”, ông Đức nói.
Bà Minh lội ruộng bắt ốc bươu vàng về bán
Bà Lê Thị Minh (50 tuổi, trú tại thôn Tân Phú, xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà) chia sẻ, những năm trước, khi người dân vừa gieo sạ thì bị ốc bươu vàng phá hoại lúa rất mạnh. Sau đó, chính quyền đã tuyên truyền, vận động người dân ra đồng diệt ốc bươu vàng nhưng vẫn không triệt để.
Mỗi ngày, một người dân có thể kiếm được hơn từ 100.000 - 200.000 đồng nhờ bắt ốc bươu vàng bán
Thế nhưng, khoảng 3 năm nay, khi có thương lái thu mua thì tự nhiên người dân, nhất là phụ nữ đổ xô ra đồng tìm bắt ốc bươu vàng về bán vì có thu nhập. Theo bà Minh, những ngày đầu, khi ốc còn nhiều mỗi ngày bà kiếm được khoảng 200.000 đồng, nhưng nay đã hiếm dần nên mỗi ngày bà chỉ kiếm được trên, dưới 100.000 đồng từ bắt ốc bươu vàng bán.
Thương lái Hoàng Thị Lan thu mua ốc bươu vàng
Mỗi ngày chị Lan thu mua được khoảng 5 tấn ốc bươu vàng
Hàng ngày, tổ chức thu mua ốc bươu vàng tại địa bàn huyện Lộc Hà, chị Hoàng Thị Lan (ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà) cho hay: “Mỗi ngày tôi thu mua được khoảng 5 tấn ốc bươu vàng từ bà con đem tới bán. Toàn bộ số ốc này được tôi đưa vào các tỉnh ở miền Nam bán cho các cơ sở chăn nuôi thủy sản để làm thức ăn cho cá sấu và tôm hùm”.
Chị Lan là tiểu thương thu mua ốc bươu vàng đã 2 năm nay. Lợi nhuận chị không tiết lộ nhưng chị tỏ ra rất phấn khởi, hào hứng với công việc này.
Theo thương lái, số ốc bươu vàng sau khi thu mua sẽ được chở vào các tỉnh phía nam bán lại cho chủ nuôi trồng thủy sản chế biến làm thức ăn nuôi cá Tra, Ba Sa, tôm hùm
Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Nguyễn Trí Hà – Chi cục trưởng Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh khẳng định: “Ốc bươu vàng là loại sinh vật phá hại lúa, nó thường cắn, ăn lá, thân khi cây lúa còn non, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của lúa. Vì vậy, việc người dân ra đồng bắt ốc bươu vàng bán cho thương lái làm thức ăn trong nuôi trồng thủy sản thì rất tốt, rất đáng hoan nghênh".