Tại phiên tòa phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm diễn ra sáng nay (26/4), VKSND cấp cao tại Hà Nội đã nêu quan điểm luận tội đối với các bị cáo có đơn kháng cáo.
Trên cơ sở nội dung vụ án, lời khai của các bị cáo, VKSND Cấp cao tại Hà Nội nhận thấy OceanBank đã chi vượt trần lãi suất, lạm dụng chức vụ, dẫn đến nợ xấu lên đến 14.900 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Xét kháng cáo kêu oan của Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch OceanBank), Nguyễn Xuân Sơn (nguyên TGĐ OceanBank) đối với tội Tham ô tài sản; kháng cáo kêu oan của Thắm, Sơn, Nguyễn Minh Thu (nguyên TGĐ OceanBank), Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó TGĐ OceanBank) đối với hành vi Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản 69 tỷ đồng thông qua BSC, VKS xác định có đủ căn cứ khẳng định Sơn chiếm đoạt 69 tỷ đồng của Công ty BSC. VKS xác định Công ty BSC không có hoạt động SXKD gì mà chỉ thực hiện việc thu phí mua bán ngoại tệ để chi lãi ngoài cho OceanBank. Do vậy, bản án sơ thẩm số 303 của TAND TP Hà Nội kết luận Sơn, Thắm, Hoàn, Thu phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là có căn cứ và đúng pháp luật.
Về hành vi Nguyễn Xuân Sơn lạm dụng chức vụ chiếm đoạt 197 tỷ đồng và Tham ô 49 tỷ đồng, VKS lý giải: Trong tổng số 1.576 tỷ đồng OceanBank đã chi lãi ngoài, có 246 tỷ đồng đã chi cho PVN và khách hàng dầu khí thông qua Nguyễn Xuân Sơn. PVN sở hữu 20% tại OceanBank nên số thiệt hại tương ứng là 20% của 246 tỷ đồng nói trên, tương đương 49 tỷ đồng. Việc kết tội Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn phạm tội Tham ô tài sản (49 tỷ đồng) và Lạm dụng chiếm đoạt 266 tỷ đồng (197 tỷ đồng + 69 tỷ đồng) là có cơ sở.
Về hành vi chi lãi ngoài vượt trần lãi suất của các bị cáo kháng cáo trong vụ án này, VKS kết luận có đủ cơ sở để khẳng định các bị cáo tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 3 Điều 165 BLHS năm 1999.
Các bị cáo đứng nghe đại diện VKS luận tội.
Về khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung tại OceanBank, Thắm và Hoàn biết rõ vốn điều lệ 250 tỷ đồng của Công ty Trung Dung là không có thật nhưng vẫn phê duyệt khoản vay này. Sau khi vay được tiền, Phạm Công Danh thanh toán cho các khoản nợ của Hứa Thị Phấn, Phấn là người thừa hưởng và sử dụng toàn bộ khoản vay này. Hành vi này của các bị cáo vi phạm tội Vi phạm quy định về cho vay trong các tổ chức tín dụng (TCTD). Bản án sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo là đúng cơ sở.Với các bị cáo nguyên là Giám đốc khối, Giám đốc chi nhánh/Phòng giao dịch, mặc dù hậu quả các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, nhưng xét vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo, các bị cáo đều là những người làm công hưởng lương, một số bị cáo có thân nhân là người có công với đất nước, do vậy, Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ nhưng không chấp nhận kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự như nội dung kháng cáo của một số bị cáo.
Đối với kháng cáo của CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) và Công ty TNHH VNT, các doanh nghiệp này đòi quyền lợi ngang bằng với PVN vì có cùng tỷ lệ sở hữu 20% tại OceanBank nên có quyền được hưởng 49 tỷ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát không chấp nhận đơn kháng cáo của hai pháp nhân này.
Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội chỉ chấp nhận đơn kháng cáo của 6 bị cáo gồm: Vũ Thị Thùy Dương - nguyên GĐ Khối Kế toán và Giao dịch trong nước; Đỗ Đại Khôi Trang -nguyên Giám đốc khối Khách hàng cá nhân; Nguyễn Hoài Nam -nguyên Giám đốc khối Nguồn vốn; Nguyễn Thị Loan - nguyên GĐ Phòng giao dịch Trung Yên; Trần Anh Thiết - nguyên GĐ Chi nhánh Hà Nội và Nguyễn Phan Trung Kiên - nguyên GĐ Phòng giao dịch Trung Yên do có thêm tình tiết mới, trong khi những bị cáo khác không có thêm tình tiết nào mới.
Như vậy, ngoài 6 bị cáo nói trên, tất cả các bị cáo còn lại đều không được VKS xem xét giảm án, trong đó có Hà Văn Thắm (Chung thân), Nguyễn Xuân Sơn (Tử hình), Nguyễn Văn Hoàn (22 năm tù), Nguyễn Minh Thu (22 năm tù), Phạm Công Danh (14 năm tù), Hứa Thị Phấn (17 năm tù), Lê Thị Thu Thủy (6 năm tù) và các bị cáo khác.